Thiếu điện là hiện hữu

Cập nhật, 05:21, Thứ Ba, 04/12/2018 (GMT+7)

Theo ngành điện Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện tăng trung bình khoảng 10 %/năm. Song gần 3 năm qua, không có thêm bất cứ dự án nguồn điện lớn nào được triển khai trên toàn quốc. Hiện nay chúng ta đang đủ điện, nhưng khả năng thiếu điện là hiện hữu.

Tình trạng nhiều dự án nhiệt điện lớn chậm tiến độ đồng loạt sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung điện, khả năng thiếu điện năm 2019 hoàn toàn có thể xảy ra, năm 2020 nguy cơ thiếu điện rất cao.

“Việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là 2 trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Đây không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn là vấn đề của xã hội. Vì vậy, cần đặt mục tiêu “trong mọi hoàn cảnh phải đáp ứng nhu cầu năng lượng”

Đây là quan điểm được đưa ra tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức để bàn về việc phát triển năng lượng bền vững.

Tuy nhiên, ngành Công thương cũng thẳng thắn nêu ra nghịch lý: “Đi đâu cũng nói không được làm nhà máy điện than, thủy điện gây ngập lụt không nên phát triển nữa trong khi năng lượng tái tạo chi phí cao chưa thể phát triển nhanh...

Để xin được địa điểm xây dựng nhiệt điện than rất khó, hầu hết các địa phương nói không với nhiệt điện”.

Song song đó, mặc dù đã có các chính sách và tiềm năng về phát triển năng lượng sạch là vô cùng lớn nhưng lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai và chưa phát triển.

Thị phần năng lượng tái tạo trong tổng mức năng lượng của quốc gia còn thấp, số lượng các dự án đầu tư còn ít, công nghệ phát triển năng lượng sạch sản xuất trong nước chưa phát triển…

Đưa ra bài toán giảm gánh nặng cho nguy cơ thiếu điện. PGS.TS Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam- cho rằng, cần thay đổi cơ chế, hệ thống điều hành mới giải quyết được vấn đề này.

Theo ông, tư duy về cấu trúc ngành cần thay đổi phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó là điều chỉnh phía cung, phía cầu và “phải lấy giá cả để điều tiết nguồn cung”.

HOÀNG HÀ