Bạo lực gia đình và những con số

Cập nhật, 05:33, Thứ Năm, 13/12/2018 (GMT+7)

Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã được tổ chức tại Hà Nội vào hôm qua (12/12/2018) cho thấy những con số đáng giật mình.

Theo thống kê, tại Việt Nam, bạo lực gia đình đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,77% GDP mỗi năm.

Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ đã từng trải qua ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực gia đình. Đặc biệt, con số thống kê cũng cho thấy gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình…

Tổng hợp số liệu từ các địa phương trong 10 năm qua cho thấy, nhìn chung tình hình bạo lực gia đình có xu hướng giảm về số vụ, năm sau thấp hơn năm trước.

Song, con số tổng hợp chưa thể nói được đầy đủ về thực trạng bạo lực gia đình hiện nay. So sánh số liệu báo cáo từ các ngành cho thấy, vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa các ngành khi tổng hợp thông tin về bạo lực gia đình.

Chỉ tính riêng số liệu các vụ án ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình do Tòa án nhân dân Tối cao báo cáo cho thấy, từ 1/7/2008- 31/7/2018, tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết.

Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn).

Số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy, có 30% số hộ gia đình tham gia trả lời cho biết trong 12 tháng gia đình họ đã xảy ra ít nhất 1 hành vi được xác định là hành vi bạo lực gia đình (theo quy định của luật).

Hiện việc xử phạt vi phạm hành chính mặc dù đã được thực thi song chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản đến việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân cũng như xử lý người gây bạo lực gia đình.

Vì vậy, nhiều đề xuất đã được đưa ra; trong đó nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo hướng gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, tăng mức xử phạt và hình thức xử phạt nhằm đảm bảo tính răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình.

HOÀNG HÀ