"Nỗi lo thường trực" của nông dân

Cập nhật, 08:02, Thứ Sáu, 23/11/2018 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, giá phân bón trong nước đã liên tục tăng. So cùng kỳ năm ngoái, giá phân bón tăng tới trên 30% .

Phân bón chiếm khoảng 30% giá thành sản xuất nông nghiệp, nên khi giá phân bón tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của nhiều nông dân trong khi giá nhiều loại nông sản chủ lực ở ĐBSCL như: cam sành, bưởi, chôm chôm, dừa,… gần đây- nhất là sầu riêng- đang tuột giá rất nhiều so với trước.

Theo quy luật, khi các vùng trọng điểm sản xuất lúa chuẩn bị bước vào mùa vụ thì phân bón các loại thường tăng giá. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên giá phân bón tăng mạnh đến như vậy, đe dọa đến thu nhập của nông dân.

Trước thực trạng giá phân bón tăng cao, ngành trồng trọt tỉnh có diện tích lúa lớn nhất cả nước là An Giang khuyến cáo bà con nông dân nên tăng cường áp dụng sản xuất lúa theo “2 chương trình chuẩn”.

Các chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” đã được nông dân ứng dụng sản xuất thành công thời gian qua, nếu được áp dụng rộng rãi thì sẽ giảm chi phí rất nhiều.

Những tháng đầu năm, Chính phủ vừa có chủ trương không xuất khẩu phân bón nhằm bình ổn giá cả phân bón trong nước. Bên cạnh thực thi các chính sách như đẩy mạnh sản xuất phân bón trong nước, không xuất khẩu, tăng lượng nhập khẩu, Nhà nước cũng khống chế giá cả các loại phân bón thiết yếu, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tùy tiện tăng giá, gây bất ổn đối với sản xuất nông nghiệp… nhưng giải pháp trên không ngăn cơn hạ nhiệt phân bón trước nhu cầu rất lớn hiện nay.

Bên cạnh nỗi lo “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, nông dân đang chịu áp lực với nỗi lo thường trực, đó là phân bón liên tục tăng giá!

HOÀNG HÀ