Nghĩa trò tình thầy

Cập nhật, 06:34, Thứ Bảy, 17/11/2018 (GMT+7)

Xưa có câu “Nhất tự vi sự, bán tự vi sư”- nghĩa là, người dạy cho ta một chữ cũng là thầy và thậm chí nửa chữ thôi cũng làm thầy ta. Cho thấy, tình nghĩa thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp mà hầu hết mọi người đều trân quý và bồi đắp.

Thầy không chỉ là người yêu thương, dạy dỗ hướng ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn vừa là người cha, vừa là người mẹ, vừa là người bạn tốt. Khi học trò đến học thầy thì trước hết phải trau dồi đạo đức và trên cơ sở đó phát triển trí tuệ và tài năng, bởi “tiên học lễ, hậu học văn” mà!

Đối với người thầy, khi dạy học phải dạy bằng cả tấm lòng và tâm huyết, đức độ trong sáng và trí tuệ dồi dào của mình: Tất cả vì học sinh thân yêu!

Còn trò, luôn tỏ lòng kính trọng về đạo đức và tài năng của thầy, coi trọng tri thức, văn hóa qua lời dạy bảo của thầy, phải sống sao cho có nghĩa, có tình.

Ấy vậy mà, trong thời đại ngày nay tình nghĩa thầy trò hầu như thiếu sự gắn bó. Giữa thầy cô giáo và học trò có một khoảng cách khá xa, không thân tình và gần gũi như ngày xưa.

Có một số trường hợp, mối quan hệ thầy- trò trở nên méo mó, làm cả thầy và trò không còn cái nhìn thiện cảm tin tưởng vào môi trường giáo dục. Song, xã hội vẫn còn đó những trái tim son của người thầy, những nghĩa cử cao quý của thầy dành cho trò.

Thế nên mới có những người thầy bán bánh, bán nhang kiếm tiền mua sách cho trò nghèo, những người cô lo từng bữa cơm miễn phí, xin quần áo cho trò, những thầy cô trẻ “dành cả thanh xuân” lặn lội đến vùng cao, miền núi truyền chữ cho trẻ…

Những “người lái đò” không chỉ gieo tri thức mà còn gieo nhân cách sống, gieo mầm thiện vào trái tim những lứa học trò.

Có người đã nói rằng: Khi thầy dạy dỗ trò bằng trái tim và cái tâm thì nhất định sẽ được nhận lại nhiều những trái tim và cái tâm của các thế hệ học trò. Đạo thầy trò nhờ thế mà đẹp mãi!

TRÀ MY