Bất ngờ, năng suất lao động!

Cập nhật, 06:31, Thứ Sáu, 05/10/2018 (GMT+7)

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Viện Konrad - Adenauer (KAS) tổ chức đối thoại chính sách “Tăng năng suất lao động cho Việt Nam”. Tại đây, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng năng suất lao động của nước ta vẫn ở dưới mức cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, mức năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Một so sánh làm nhiều người bất ngờ: Năng suất lao động người Việt thua Lào, bằng 7% Singapore,...

Cụ thể: Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011- 2017 tăng 4,7%/năm.

Cụ thể, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành từng năm giai đoạn 2011- 2017 lần lượt là: 55,2 triệu đồng/lao động; 63,1 triệu đồng/lao động; 68,7 triệu đồng/lao động; 74,7 triệu đồng/lao động; 79,4 triệu đồng/lao động; 84,5 triệu đồng/lao động; 93,2 triệu đồng/lao động.

“Việt Nam đang có vấn đề về tăng năng suất lao động”- ông Peter Girke- Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam- nhận xét. Theo ông, kinh tế Việt Nam phát triển liên tục và đạt được những thành tựu lớn nhưng năng suất lao động lại chưa tăng trưởng tương xứng.

Các chuyên gia thống nhất cho rằng, chỉ bằng cách nâng cao năng suất lao động, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

HOÀNG HÀ