Văn hóa tranh luận

Cập nhật, 06:03, Thứ Ba, 18/09/2018 (GMT+7)

Những ngày qua, cộng đồng mạng ồn ào xung quanh Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại. Có thể nói, từ khóa Tiếng Việt 1- CNGD đã gây một “cơn bão” trên mạng xã hội với gần 50 triệu kết quả chỉ sau một cú kích chuột trên công cụ tìm kiếm Google.

Xuất phát từ một clip về cách dạy và học tiếng Việt theo CNGD được đưa lên mạng, đã xuất hiện một làn sóng tranh luận sôi nổi chưa từng thấy.

Phụ huynh thì nặng lời phản bác, vài tên tuổi quen thuộc trong làng giải trí cũng nhanh nhảu chế các clip giễu cợt mua vui, vài cá nhân đã cực đoan chỉ trích cách học vần CNGD là “vô ích”, “gây xáo trộn xã hội”, “hủy hoại tiếng Việt”...

Có lẽ phương pháp đánh vần tiếng Việt theo chương trình CNGD sẽ không gây bão dư luận như những ngày vừa qua nếu như đa số mọi người hiểu rõ, không có những ngộ nhận đáng tiếc về phương pháp đã được phép sử dụng cách đây 40 năm, ở nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước cũng đã đạt được những kết quả nhất định, dù cũng còn những khiếm khuyết.

Cũng cần biết, với một nền giáo dục hiện đại, dùng một lúc nhiều bộ sách giáo khoa cho một môn học là chuyện bình thường, miễn là bảo đảm yêu cầu của khung chương trình do Bộ GD-ĐT đề ra.

Cách làm đó cũng từng được áp dụng ở nước ta trong những giai đoạn nhất định, nhiều thế hệ học trò thời đó thành đạt thậm chí có nhiều danh nhân với những cống hiến trên mọi lĩnh vực cho đất nước.

Bởi vậy, người viết không luận bàn về chương trình CNGD. Nói đúng là “không dám tranh luận” do trình độ hiểu biết về vấn đề không hề đơn giản. Ở đây người viết muốn đề cập về văn hóa phản biện, trao đổi nói chung và trên mạng xã hội.

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp- Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học- trả lời trên báo Lao Động: “Đánh vần theo CNGD chỉ là một lựa chọn trong những cách dạy”. Thế thì, có đến mức đẩy nó đi xa đến những kết tội, nhục mạ các nhà biên soạn sách hay không?

Bàn về văn hóa tranh luận của người Việt, PGS. TS Lê Quý Đức cho rằng: “Tôi có cảm nhận người Việt Nam mình không có thói quen biết tranh luận. Thói quen cũng là một nét văn hóa.

Nhưng khi đã nói văn hóa tranh luận thì phải theo nghĩa rất rộng, gắn với tri thức, quá trình đào tạo, rèn luyện, kỹ năng, tâm lý xã hội...

Đằng này, người Việt nhiều khi tranh luận bằng cách “ăn to nói lớn” để át đi. Do đó, chưa thể nói đến văn hóa tranh luận được”.

“Cần một cách ứng xử văn hóa” (bài viết đăng trên báo Kinh tế đô thị), tác giả cho rằng: Muốn phê phán, chỉ ra cái sai, điều bất cập của người khác, trước hết nên tự nhìn lại mình để biết chắc rằng ta xứng đáng làm việc đó, ít nhất trong văn hóa ứng xử, điều mà mỗi chúng ta đều có thể làm được, bất kể tuổi tác, địa vị và trình độ học thức.

Được như vậy là ta đã đủ tư cách để bước vào một cuộc tranh luận sòng phẳng, có văn hóa và quan trọng nhất là hướng tới chân lý chứ không phải là đang hùa theo đám đông, nói cho “sướng cái bàn phím”!

HOÀNG HÀ