Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Cập nhật, 05:38, Thứ Năm, 13/09/2018 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp- PTNT vừa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Hội nghị đánh giá, nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng và chuyển dịch mạnh theo hướng hàng hóa với quy mô, năng suất, chất lượng ngày càng cao; tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt bình quân 2,66 %/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9 %/năm.

Tổng kim ngạch xuất khẩu từ 2008- 2017 đạt trên 261 tỷ USD, tăng bình quân 9,2 %/năm. Hiện đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: lúa gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sắn, rau quả, tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm nhanh qua các năm, đến cuối năm 2017 còn khoảng 8%. Thu nhập bình quân đầu người nông dân đến cuối năm 2017 đạt khoảng 32 triệu đồng/năm, tăng gần 3,5 lần so với năm 2008.

Một trong những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện nghị quyết là những bước tiến trong xây dựng nông thôn mới.

Sau 7 năm thực hiện chương trình, toàn xã hội đã huy động được khoảng 1,67 triệu tỷ đồng để triển khai. Đến cuối năm 2017, cả nước đã có 3.069 xã (chiếm 34,4% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới…

Có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của nước ta hiện vẫn còn khá khiêm tốn, chưa đạt như kỳ vọng.

Nếu như năm 2007, số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ là 2.397 DN, thì đến hết quý II/2018, con số này đã tăng lên 7.033 DN.

Mặc dù vậy, tổng số vốn đã đầu tư vào nông nghiệp trong 10 năm qua mới chỉ chiếm 8- 10% tổng nguồn vốn của toàn khu vực DN. Nếu tính vốn của các DN trực tiếp sản xuất, con số trên thậm chí chỉ còn khoảng... 1%.

Thực trạng đầu tư vào nông nghiệp nhỏ giọt là bởi vẫn còn tồn tại khá nhiều “điểm nghẽn” cản trở DN rót vốn. Đó là khó khăn về quỹ đất để sản xuất lớn, rồi thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn phải tiếp tục được tháo gỡ.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với công nghiệp chế biến;

tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản, kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; quan tâm, phát triển toàn diện kinh tế và hiện đại hóa hạ tầng nông thôn.

HOÀNG HÀ