Góc khuất sách giáo khoa

Cập nhật, 16:01, Thứ Năm, 27/09/2018 (GMT+7)

Chưa bao giờ vấn đề độc quyền sách giáo khoa (SGK) lại được quan tâm như những ngày này, khi nó không chỉ xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội, mà còn bước vào cả nghị trường phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.

Nhiều ý kiến muốn được giải thích lý do tại sao mỗi một năm in khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội mất khoảng 1.000 tỷ đồng (thật ra là hơn thế) để mua, nhưng đến năm sau lại không dùng được nữa? Tại sao cứ phải ghi bài tập luôn trong SGK?...

Tại cuộc họp báo ngày 21/9 vừa qua, để giải trình vấn đề SGK hiện hành có như dư luận râm ran bàn luận, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam đã viện dẫn báo cáo kiểm toán tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại NXB Giáo dục trong các năm từ 2015- 2017, mỗi năm đơn vị này lỗ khoảng 40 tỷ đồng từ việc làm SGK.

Việc NXB Giáo dục “lỗ 40 tỷ đồng” do làm SGK, ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đặt câu hỏi: Tỷ lệ chiết khấu 25% đối với SGK tương đương 250 tỷ đồng hàng năm nhưng sao NXB Giáo dục Việt Nam công bố lỗ 40 tỷ đồng? Đó còn chưa nói đến vấn đề sách tham khảo. Ông khẳng định, NXB Giáo dục Việt Nam thật ra lỗ khi phát hành SGK nhưng lời ở sách tham khảo.

Được biết Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đang giám sát về vấn đề xuất bản SGK và cuối năm nay sẽ công bố kết quả... Như vậy là đã có một chút hy vọng sẽ sáng tỏ. Đây là điều mà dư luận đặc biệt quan tâm.

Nhất là thông tin mới đây nhất vừa được tung ra khiến người dân càng thêm bức xúc. Đó là thông tin, năm 2017, lợi nhuận của NXB Giáo dục Việt Nam đã tăng vọt gấp hơn 2 lần so với năm 2016, đạt trên 150 tỷ đồng. Theo thông tin này thì thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên tại đây đều ở mức “khủng” so với công chức viên chức ngành giáo dục.

HOÀNG HÀ