Lời cảnh báo mang tên thủy điện!

Cập nhật, 05:17, Thứ Năm, 26/07/2018 (GMT+7)

Chiều hôm qua (25/7), BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp khẩn liên quan đến vụ việc vỡ đập thủy điện Se Pian- Se Namnoy ở tỉnh Attapeu thuộc Đông Nam Lào và những tác động tới Việt Nam để đưa ra những giải pháp ứng phó.

Trước đó, tại cuộc họp sáng 24/7, Chi cục Thủy lợi Miền Nam cho biết: “Từ hôm qua đến nay, chúng tôi cũng rất lo lắng về vụ vỡ đập bên Lào. Chúng tôi đã liên hệ nhiều cơ quan liên quan như Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, cơ quan khí tượng thủy văn để tìm hiểu thông tin, được biết lượng nước về ĐBSCL khu vực Châu Đốc không đáng kể, do đó chưa ảnh hưởng gì đến khu vực này”.

Thế nhưng chuyên gia về sông ngòi cảnh báo, Việt Nam- nhất là khu vực ĐBSCL- không được chủ quan: Còn nhớ cách đây một thời gian, khi ĐBSCL khô hạn, chúng ta có đề nghị Trung Quốc xả nước để giải hạn với lưu lượng khoảng 1.800 m3/giây.

Chỉ với lượng xả như vậy đã có thể giải hạn cho ĐBSCL. Nay, nước từ đập thủy điện Se Pian- Se Namnoy đổ về với lưu lượng hàng vạn m3/giây sẽ làm tăng mực nước đột ngột, sau vài ngày sẽ tác động tới Việt Nam.”

Là nước cuối cùng ở hệ thống sông Mekong, chúng ta phải gánh chịu toàn bộ hậu quả từ các đập thủy điện thượng nguồn nếu xảy ra sự cố. Bởi vì các nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc đều xây dựng rất nhiều đập lớn bé trên thượng nguồn.

Trao đổi với Báo Thanh Niên ngày hôm qua, ThS. Kỷ Quang Vinh- nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ- đánh giá: Sự cố vỡ đập thủy điện ở tỉnh Attapeu có thể không ảnh hưởng nhiều đến hạ lưu vùng Mekong cũng như các tỉnh ĐBSCL, nhưng đó là lời cảnh báo mạnh mẽ cho việc phát triển thủy điện ở lưu vực dòng sông này và các lưu vực sông khác trên cả nước.

Một thực tế cần nhìn nhận, thủy điện được coi là kênh đầu tư đầy hấp dẫn, sinh lợi lớn, thu hồi vốn nhanh nên những năm gần đây rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ gắn được thêm chức năng đầu tư, xây dựng thủy điện. Có những thời điểm, “ngành ngành làm thủy điện, người người làm thủy điện”. Mặc dù sự hiểu biết về loại hình công trình này không phải ai cũng rành rọt.

Sự cố của một công trình hồ chứa sẽ là thảm họa, không kém thảm họa do động đất, sóng thần gây ra. Nhân loại không thể nào quên sự cố vỡ đập thủy điện Bản Kiều (Trung Quốc) đầu tháng 8/1975 khiến gần 170.000 người thiệt mạng, trong đó 26.000 người chết trong lũ, số còn lại thiệt mạng do dịch bệnh và nạn đói. Đằng sau đó là cả một hệ lụy lâu dài... 

HOÀNG HÀ