Day dứt câu hỏi?

Cập nhật, 06:33, Thứ Ba, 24/07/2018 (GMT+7)

“Chúng ta đã làm được rất nhiều việc nhưng chưa giải quyết được câu hỏi: Làm thế nào để nông dân sống tốt trên mảnh đất của mình?” Trăn trở của Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa đã làm nóng phiên thảo luận tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Bộ Công thương vừa tổ chức.

Phải khẳng định rằng: Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 26-NQ/TW BCH Trung ương đã mang lại nhiều kết quả quan trọng như sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và toàn diện, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước.

Hiện mỗi năm lượng gạo hàng hóa buôn bán trên thế giới khoảng 25- 30 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam đóng góp 6- 8 triệu tấn, chiếm trên 20% lượng gạo bán buôn trên thế giới. Thành quả này có công sức rất lớn của nông dân Việt Nam nhưng hiện tại đời sống của họ vẫn chưa được cải thiện là bao.

Chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng thấy nông dân trồng lúa khó làm giàu. Tại ĐBSCL- vựa lúa lớn nhất cả nước, nếu diện tích đất sản xuất của nông dân là 1 ha/hộ (thực tế theo điều tra thì diện tích đất trồng lúa của nông dân ĐBSCL hiện nay là 0,7 ha/hộ), làm trong 2 vụ lúa đạt 10- 12 tấn.

Nếu tính chi phí là 50%, nông dân lời 50%, tương đương 5- 6 tấn lúa. Thử lấy giá khoảng 6.000 đ/kg (hiện chỉ khoảng 4.700-5.400 đ/kg) thì tổng thu nhập cũng chỉ ở ngưỡng 30 triệu đồng, chia cho trung bình mỗi gia đình là 5 người, tương đương 6 triệu đồng/người/năm. Tính ra thu nhập khoảng 500.000 đ/người/tháng. Với khoản thu nhập này, phải chi đủ thứ: ăn uống, học hành, trị bệnh, hiếu hỉ…, tính sơ sơ cũng lên đến tiền triệu.

Năm ngoái, tại Diễn đàn Nông nghiệp Mùa xuân, GS. Võ Tòng Xuân- chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam- cho biết: Ở Mỹ, phải có trình độ mới sản xuất được nông nghiệp, trong khi ở Việt Nam đây là nghề cha truyền con nối, sản xuất theo thói quen. Nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp nghèo nàn, trình độ không cao khó áp dụng công nghệ cao bởi chính con em nông dân đi học cũng ít về làm nông nghiệp.

Từ thực tế đó dẫn đến năng suất thấp, chất lượng lúa gạo không cao, chưa kể đến trình độ bảo quản theo thu hoạch chưa đạt yêu cầu, chế biến lúa gạo với công nghệ lạc hậu...

Một thập niên qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc nhưng chưa giải quyết được câu hỏi: Làm thế nào để nông dân sống tốt trên mảnh đất của mình?

HOÀNG HÀ