Thời tiết, thiên tai ở Vĩnh Long: Diễn biến và xu thế có nhiều bất thường

Cập nhật, 06:10, Thứ Năm, 16/05/2024 (GMT+7)
Đề phòng ảnh hưởng của hiện tượng La Nina gây mưa, bão, lốc xoáy, ngập lụt bất thường trong các tháng cuối của năm 2024.Ảnh tư liệu
Đề phòng ảnh hưởng của hiện tượng La Nina gây mưa, bão, lốc xoáy, ngập lụt bất thường trong các tháng cuối của năm 2024.Ảnh tư liệu
Hiện tượng El Nino (pha nóng) vừa gây ra nắng nóng kỷ lục, lượng mưa sụt giảm mạnh ở cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng trong các tháng mùa khô năm 2023-2024. Nhưng hiện tượng La Nina (pha lạnh) được dự báo sẽ quay trở lại vào các tháng cuối năm nay… Từ đó cho thấy, diễn biến và xu thế thời tiết khí tượng, thiên tai trong năm 2024 có thể có nhiều bất thường.
 
Mùa khô: Nhiệt độ lên mức kỷ lục, mưa ít hơn mọi năm
 
Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, 5 tháng đầu của mùa khô năm nay, trên địa bàn tỉnh, nhiệt độ các tháng đều vượt so với trung bình nhiều năm (TBNN), tương đương hoặc vượt giá trị nhiệt độ cao nhất trong vòng 46 năm qua, tính từ năm 1978.
 
Trong đó, tháng 4 là tháng nắng nhất với nhiệt độ trung bình tháng là 30,5 độ C, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và TBNN cùng thời kỳ lần lượt là 0,9 độ C và 1,3 độ C, cao tương đương với giá trị nhiệt độ trung bình lịch sử được ghi nhận vào tháng 4/1988. Bên cạnh, nhiệt độ tối cao tuyệt đối trong tháng 4 đã đạt mức kỷ lục mới là 38,5 độ C, vượt giá trị cao nhất lịch sử 38,3 độ C vào năm 2010.
 
Đi đôi với nắng nóng là lượng mưa giảm mạnh. Tháng 2, tháng 3, hầu như không nơi nào trong tỉnh có mưa, tổng lượng mưa hầu hết thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái từ 32-120mm và thấp hơn từ 11-18mm so với TBNN. Tháng 3, lượng mưa thiếu hụt từ 6-27mm.
 
Trong tháng 4, xuất hiện 2 ngày có mưa trái mùa tập trung ở khu vực phía Nam và phía Tây của tỉnh với lượng mưa không đáng kể, lớn nhất là 12,6mm, những nơi còn lại cả tháng hầu như không mưa, tổng lượng mưa tháng thiếu hụt so với TBNN từ 40-60mm. Tuần đầu tháng 5, nắng nóng trên 38 độ C còn duy trì nhưng các nơi đã xuất hiện những cơn mưa chuyển mùa làm cho nắng nóng có phần suy giảm.
 
Xâm nhập mặn ở tỉnh ta trong mùa khô năm nay đến sớm hơn mùa khô năm trước, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020. Từ ngày 7-15/12/2023, mặn đã xuất hiện phía sông Cổ Chiên trên địa bàn huyện Vũng Liêm với độ mặn đo được từ 0,2-0,3‰.
 
Đợt mặn xuất hiện từ ngày 7-15/3 (trùng với kỳ triều cường đầu tháng 2 âl) là đợt mặn cao nhất trong mùa khô, mà đỉnh cao là vào từ ngày 11-12/3/2024 (nhằm mùng 2-3/2 âl) với ranh giới mặn 4‰ lấn sâu vào nhánh sông Cổ Chiên đến xã An Phước (huyện Mang Thít), cách cửa sông khoảng 65km và phía sông Hậu đến xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn), cách cửa sông 55km.
 
Độ mặn phía sông Cổ Chiên, thuộc địa phận huyện Vũng Liêm từ 3,8-5,9‰; phía sông Hậu, thuộc huyện Trà Ôn từ 0,8-3,8‰; phía sông Tiền, tại xã Đồng Phú và Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ từ 0,2-0,3‰. 
 
Mùa mưa: Đề phòng ảnh hưởng của La Nina
 
Hiện tượng El Nino kỳ này tồn tại quá ngắn, từ các tháng cuối năm 2023 và kết thúc đến cuối mùa khô năm 2024, để nhường chỗ cho hiện tượng La Nina quay trở lại kể từ năm 2022. 
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (ngày 10/5/2024), hiện tượng ENSO (El Nino- dao động Nam) đang duy trì trạng thái trung tính đến tháng 6/2024 với xác suất 80-85%. Từ tháng 7-9, ENSO chuyển sang trạng thái La Nina (pha lạnh) với xác suất 60-65% và có khả năng duy trì trạng thái này trong cuối năm nay.
 
Việc chuyển đổi trạng thái từ El Nino sang La Nina sẽ khiến mùa mưa bão năm nay đến muộn, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn. Cụ thể, dự báo có 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam trong năm nay.
 
Từ nay đến nửa đầu tháng 6, ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới mà tập trung vào nửa cuối mùa bão, từ tháng 9-11/2024. Do bão, áp thấp nhiệt đới, lượng mưa 6 tháng cuối năm được dự báo xấp xỉ đến cao hơn TBNN.
 
Đối với nước ta, những năm có La Nina thường ghi nhận bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường và mùa bão thường kéo dài về những tháng cuối năm. Mưa có xu hướng gia tăng hơn so với TBNN ở khu vực miền Trung và phía Nam, đáng lưu ý khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong thời kỳ mùa khô khi chịu tác động của La Nina thường xuất hiện nhiều mưa trái mùa hơn. Dòng chảy năm của các sông ngòi thường lớn hơn TBNN. 
 
Hiện tượng La Nina ảnh hưởng đến nước ta nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng vào năm 2000-2002, 2006, 2010-2011 và gần đây nhất là từ năm 2020-2022 mà đỉnh cao là năm 2022. La Nina năm 2000-2002 gây 3 năm lũ lớn liên tiếp từ năm 2000-2002 và La Nina năm 2010-2011 gây lũ lớn năm 2011 ở ĐBSCL.
 
Riêng năm 2006 là năm có nhiều cơn xoáy thuận nhiệt đới nhất với 16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là 3 cơn bão mạnh liên tiếp đổ bộ vào cuối năm đó: bão số 1 (bão Chan Chu), bão số 6 (Xangsane) vào tháng 9 tàn phá miền Trung, bão số 9 (Durian) vào tháng 12 tàn phá Nam Trung Bộ và miền Tây Nam Bộ. 
 
Ở Vĩnh Long, La Nina năm 2022 tác động rõ nét nhất là gây mưa lớn, triều cường dâng cao kỷ lục và giông lốc xoáy bất thường hơn. Tổng lượng mưa năm tại trạm khí tượng Vĩnh Long đạt 1.605,4mm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 261mm và cao hơn so với TBNN là 312mm.
 
Triều cường dâng cao lên mức kỷ lục mới với mức nước cao nhất tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) đạt 2,17m (vượt đỉnh triều cường lịch sử năm 2019 là 5cm), tại trạm Cần Thơ (sông Hậu) đạt 2,27m (vượt đỉnh triều năm 2019 là 2cm), đã gây ngập gần 376ha lúa, 186ha hoa màu, 286ha vườn cây ăn trái, 5.454 nền nhà, 10 trường học, 9 chợ, 26 trụ sở cơ quan; gây tràn 47.027m bờ bao, 23 đập (dài 287m), 60,3km đường giao thông bộ... thiệt hại về tài sản hơn 7 tỷ đồng. Giông, lốc xoáy làm hư hỏng 126 căn nhà, 4.209,61ha cây trồng... thiệt hại gần 40 tỷ đồng.
 
Thời tiết, khí tượng thủy văn, thiên tai trong tỉnh ở những tháng cuối năm 2024 còn diễn biến phức tạp, là thời kỳ cao điểm của mùa mưa, bão. Vì vậy, các ngành, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến để kịp thời xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường xảy ra.
 
Bài, ảnh: THÀNH THẶNG
Các tin khác: