Từ báo cáo PAPI

Người dân ĐBSCL quan ngại về sinh kế, biến đổi khí hậu

Cập nhật, 21:46, Chủ Nhật, 14/04/2024 (GMT+7)

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 vừa công bố cho thấy, đối với khu vực ĐBSCL, người dân quan tâm nhiều đến lý do thúc đẩy di cư cao, đồng thời tỷ lệ người dân các tỉnh ĐBSCL cho biết canh tác của họ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn cao hơn gấp đôi so với các vùng duyên hải khác.

Báo cáo PAPI phản ánh cảm nhận, trải nghiệm, ý kiến và kỳ vọng của người dân Việt Nam về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp trong năm 2023.
 
Báo cáo cho thấy, năm 2023, người dân đánh giá cao hơn hiệu quả phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử, nhưng lại đánh giá thấp hơn hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định tại địa phương. Tình hình kinh tế của Việt Nam và điều kiện kinh tế hộ gia đình là mối quan ngại hàng đầu của người dân trong năm qua.
 
Theo đánh giá của người dân, công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện nhưng chưa đáng kể, thể hiện qua mức tăng điểm ở chỉ số nội dung này còn khiêm tốn, từ 6,71 điểm vào năm 2022 lên 6,77 vào năm 2023.
 
Mức thay đổi theo hướng tích cực hơn này cũng phù hợp với xếp hạng của người dân về các vấn đề Nhà nước cần tập trung giải quyết trong thời gian tới: tham nhũng đã giảm từ vị trí thứ 5 vào năm 2022 xuống vị trí thứ 6 vào năm 2023 trong danh mục tốp 10 vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm.
 
Bên cạnh đó, người dân có cảm nhận hiện trạng tham nhũng có xu hướng giảm ở 5 trong số 8 hoạt động công vụ đo lường qua PAPI. Đó là: cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng, người dân phải đưa “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương nhận chung chi để doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường, phụ huynh phải “bồi dưỡng” giáo viên để con em được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập, và người dân phải đưa “lót tay” để được quan tâm hơn khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công.
 
Mặc dù vậy, trong năm 2023, tỷ lệ người cho rằng cần phải đưa “lót tay” để đảm bảo xin được việc làm trong khu vực nhà nước cao hơn so với năm 2021.
 
Kết quả PAPI năm 2023 của tỉnh Vĩnh Long có tổng điểm số 40.83. Trong đó, có 2 chỉ số đạt điểm cao là: Cung ứng dịch vụ công (7.86 điểm) và Quản trị môi trường (3.8 điểm). Các chỉ số khác là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (4.18 điểm); Công khai, minh bạch (4.7 điểm); Trách nhiệm giải trình với người dân (3.99 điểm); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6.38 điểm); Thủ tục hành chính công (6.99 điểm); Cung ứng dịch vụ công (7.86 điểm); Quản trị môi trường (3.8 điểm) và Quản trị điện tử (2.93 điểm).
Kết quả khảo sát PAPI năm 2023 cũng cho thấy một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương. Số người cho rằng cần phải dựa vào “quan hệ” để có được việc làm trong cơ quan nhà nước vẫn ở mức cao, mặc dù tỷ lệ người dân có cảm nhận như vậy đã giảm kể từ năm 2016. Trên phạm vi toàn quốc, có từ 56-62% số người được hỏi cho biết vẫn tồn tại hiện trạng “vị thân” này.
 
Một trọng tâm khác của Báo cáo PAPI năm 2023 là kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện quản trị điện tử. Quản trị điện tử là một trụ cột quan trọng cho ngôi nhà quản trị công hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, kết quả PAPI năm 2023 cũng cho thấy đa số người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, và 7,6% sử dụng cổng dịch vụ công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc.
 
Một trong những lý do khiến người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến là do lo ngại về quyền riêng tư, với một phần ba số người đã dùng các cổng dịch vụ công nêu lý do này. 
 
Những phát hiện này cho thấy cần cải thiện tính dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng của các cổng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tính thuận tiện và toàn trình cho tất cả các đối tượng người dùng là công dân.
Khô hạn và xâm nhập mặn là những quan ngại lớn của người dân ĐBSCL.
Khô hạn và xâm nhập mặn là những quan ngại lớn của người dân ĐBSCL.
 
Trong khi đó, những vấn đề đáng quan ngại nhất đối với người dân trong năm 2023, đó là nghèo đói (chiếm 22,39% tổng số người trả lời), việc làm (12,79%) và tăng trưởng kinh tế (9,2%). Những kết quả này cho thấy người dân thực sự quan ngại về tình hình kinh tế trong năm qua.
 
Sinh kế cũng là yếu tố nổi bật thúc đẩy di cư nội địa ở Việt Nam. Năm 2023, tỷ lệ người dân cân nhắc di cư tới địa phương khác để có việc làm tốt hơn là 21,8%, chỉ đứng sau tỷ lệ mong muốn di cư vì lý do đoàn tụ gia đình (40,68%).
 
Lý do thúc đẩy di cư được đề cập nhiều thứ ba là điều kiện môi trường sống xấu đi. Đây là một kết quả khảo sát quan trọng trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Mối quan ngại về môi trường sống đặc biệt phổ biến trong cư dân khu vực ĐBSCL- một điểm nóng về di cư với điểm đến nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh.
 
Kết quả phân tích về nguy cơ thiên tai từ khảo sát PAPI 2023 cho thấy, tỷ lệ người dân các tỉnh ĐBSCL cho biết canh tác của họ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn gấp đôi so với các vùng duyên hải khác. 
Thời gian qua, nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng trong phát triển kinh tế- xã hội, Vĩnh Long rất quan tâm và xác định việc cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên triển khai thực hiện trong kế hoạch hàng năm. Qua đó, nhằm cụ thể hóa và tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, liên tục các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bài, ảnh: LÝ AN