Triển khai công tác ngoại giao kinh tế

Vĩnh Long mở cửa hội nhập quốc tế

Cập nhật, 16:15, Thứ Ba, 20/12/2022 (GMT+7)

 

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời dẫn đầu đoàn công tác xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ, tháng 11/2012.Ảnh: ĐĂNG KHOA
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời dẫn đầu đoàn công tác xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ, tháng 11/2012.Ảnh: ĐĂNG KHOA

Triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Vĩnh Long luôn nhận định công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động đối ngoại, bao gồm cả hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Vĩnh Long vận dụng chính sách mở cửa hội nhập quốc tế, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, hoạt động kinh tế đối ngoại, thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, có chính sách ưu đãi, chế độ đãi ngộ cho các doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư FDI từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vào tỉnh.

Mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác

Báo cáo về công tác đối ngoại năm 2022 của tỉnh Vĩnh Long cho thấy, tỉnh thường xuyên cập nhật và kịp thời triển khai các văn bản của Trung ương về hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại…

Tiếp tục triển khai định hướng công tác đối ngoại địa phương giai đoạn 2022 - 2025: Với mục tiêu củng cố, phát triển các mối quan hệ sẵn có, mở rộng và đưa vào chiều sâu quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường công tác vận động viện trợ, mở rộng giao lưu hợp tác về thương mại, du lịch và văn hóa.

Các hoạt động đối ngoại của tỉnh đã được triển khai có hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành tỉnh, giữa Trung ương và địa phương, giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, hình ảnh của tỉnh trong quan hệ quốc tế.

Năm 2022, công tác tổ chức đoàn ra nước ngoài luôn được chú trọng. Các chuyến công tác theo tiêu chí tiết kiệm tối đa thời gian và kinh phí, thành phần đoàn gọn nhẹ, song vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.

Cùng với đó, công tác ngoại giao kinh tế đạt nhiều kết quả nổi bật. Kết quả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 793 triệu USD, tăng 37,91% so với năm 2021. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là giày dép, hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, nông sản chế biến…

Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 332 triệu USD, tăng 29,72% so năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 ước đạt 37.010 tỷ đồng, tăng 8,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) là 35,1%; ngành công nghiệp và xây dựng (khu vực II) là 19,3%; các ngành dịch vụ (khu vực III) là 45,6%.

Hiện nay, tỉnh có 70 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn đăng ký 876,92 triệu USD; bao gồm các ngành nghề: sản xuất thực phẩm, giày da, may mặc, chế biến nông sản, sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản… Trong năm đã tiếp đón 40 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu về môi trường đầu tư của tỉnh, trong đó có 24 lượt nhà đầu tư nước ngoài (Thụy Sĩ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ,...).

Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch có nhiều hoạt động kết nối giao thương sôi động. Tỉnh cũng tăng cường giới thiệu cơ hội đầu tư, tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế địa phương: cung cấp thông tin đến các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam về cơ hội đầu tư, tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; danh mục các dự án mời gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách nhằm tăng cường mời gọi nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Vĩnh Long.

Ngoại giao kinh tế tạo động lực phát triển

Theo ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Vĩnh Long vận dụng chính sách mở cửa hội nhập quốc tế. Theo đó, lồng ghép định hướng ngoại giao kinh tế vào quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, các đề án tái cơ cấu. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025; trong đó đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hỗ trợ phát triển hoạt động xuất khẩu, giúp kinh tế tỉnh phát triển sâu rộng vào thị trường quốc tế.

BCĐ Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025; trong đó tập trung thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết và thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn về các hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP. Cùng với tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác; hợp tác lao động - việc làm. Cải thiện năng suất, chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Tuy vậy, công tác ngoại giao kinh tế của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chậm đổi mới công nghệ, chất lượng nguồn nhân sự, trình độ quản lý còn chưa cao… nên khả năng thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là một thách thức lớn cho tỉnh khi hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời chỉ đạo phương hướng triển khai thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của tỉnh trong thời gian tới, là: Củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức, địa phương nước ngoài mà tỉnh đã thiết lập quan hệ nhằm đưa các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững; góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tạo lập, hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác; gắn kết quan hệ chính trị, đối ngoại với hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ. Nghiên cứu, thực thi và vận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Chú trọng các hoạt động thông tin tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác ngoại giao kinh tế.

Bên cạnh, thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Triển khai “ngoại giao số”, “ngoại giao công nghệ”, “ngoại giao khí hậu”, ngoại giao y tế, hợp tác lao động… Tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, cập nhật kịp thời các động thái chính sách thương mại, hàng rào kỹ thuật của các quốc gia, thông tin tình hình kinh tế, thông tin cảnh báo sớm… đến các doanh nghiệp.

Đặc biệt là thu hút, tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài về địa phương đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế, nâng cao năng lực dự báo, tham mưu, năng lực tiếp nhận, quản lý vốn đầu tư nước ngoài.

Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư, xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế. Mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

TRẦN PHƯỚC