Nhà báo và văn hóa mạng

Cập nhật, 14:49, Chủ Nhật, 20/06/2021 (GMT+7)

Sử dụng Internet với các trang mạng xã hội thực sự bùng nổ, lượng người tham gia vào đây có tất cả mọi thành phần, lứa tuổi và với nhiều mục đích khác nhau. Những “phiên bản người” trên mạng tạo nên “thế giới ảo”, nhưng mọi tác động của nó đến con người và xã hội là hoàn toàn thật. Những vòng xoáy cảm xúc dễ dàng lôi cuốn đám đông đến kinh khủng và tác động của nó thật sự khó lường.

Báo chí đã và đang phát triển mạnh mẽ báo online, nhà báo cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội trong tương tác, nghiệp vụ, giao lưu, do đó, vai trò của báo chí trên không gian mạng là vô cùng quan trọng. Nhất là trong xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.

Thật đáng buồn Việt Nam lại là một trong số nước có văn hóa mạng thấp kém. Trong cuộc điều tra năm 2020, Microsoft công bố kết quả về Chỉ số văn minh trên không gian mạng. Khảo sát trải nghiệm của người dùng với 21 rủi ro do các hành vi cư xử không đúng mực trên mạng cho thấy, Việt Nam là một trong 5 nước có Chỉ số văn minh Internet thấp nhất trong số 25 nước được khảo sát. Thiết nghĩ đó là kết quả khá gần với thực tế của hoạt động trên không gian mạng của Việt Nam. Và nếu có một cuộc thống kê về đối tượng có sự tương tác nhiều nhất và mạnh mẽ nhất, có lẽ là thuộc về nhóm người trẻ tuổi chiếm đa số. Những hành vi ứng xử lôi cuốn đám đông tạo nên những luồng dư luận rầm rộ trước một sự kiện nào đó, nhằm bênh vực cho một vấn đề, một nhân vật nào đó mà họ thần tượng thì bất kể đúng sai, bất chấp luật pháp, nhằm trấn áp, khủng bố đối phương. Mặc nhiên, đám đông trên mạng này cho họ cái quyền được “phán xét” tất cả. Và trong những vụ việc như thế này, ngôn ngữ được sử dụng bất chấp, càng nặng nề, càng tục tĩu nhằm hạ nhục người khác, mà những điều bất thường, vô văn hóa như thế này đã trở thành “bình thường” mới là hiện tượng vô cùng đáng buồn và đáng lo.

Hiện tượng này đã, đang và sẽ trở thành “miếng mồi ngon”, là công cụ hữu hiệu để những kẻ xấu, những thành phần chống đối Đảng, Nhà nước ta lợi dụng, tạo nên những xáo trộn, mất an ninh từ trên mạng lan truyền đến đời sống thật ngoài xã hội. Báo chí với vai trò, sứ mạng được Đảng và nhân dân giao phó, phải trở thành lực lương tiên phong, nòng cốt trên mặt trận không gian mạng này, phải trở thành nguồn chính thống định hướng dư luận xã hội. Nhà báo cần có sự nhạy cảm tư duy, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận diện, vạch trần những âm mưu phá hoại, những hành vi thấp kém ngày càng làm xấu xí truyền thống văn hóa Việt Nam, hủy hoại vẻ đẹp ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Thậm chí từ những vụ đôi co cá nhân, có thể bị lợi dụng núp bóng đẩy lên thành những cuộc khủng hoảng nhóm, đám đông nhằm hạ uy tín, nhục mạ cá nhân, tổ chức mà tác động, ảnh hưởng của nó thì khôn lường.

Rõ ràng chúng ta đang chứng kiến sự vấy bẩn, ô nhiễm môi trường số, ngoài trách nhiệm của giáo dục còn là trách nhiệm của nhà quản lý. Việt Nam đã có các văn bản luật và dưới luật tương đối bao quát các hành vi và ứng xử trên không gian mạng như Luật An ninh mạng, Luật Dân sự, Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực gồm công nghệ thông tin và giao dịch điện tử cùng một số văn bản khác. Khung xử phạt hành vi đăng thông tin không hợp thuần phong mỹ tục, tin giả, tin xấu, xúc phạm và bịa đặt... đều đã được xác lập. Thông tin đáng mừng là Bộ quy tắc ứng xử cũng vừa được ban hành.

Tuy nhiên, vai trò của báo chí cách mạng là vô cùng quan trọng, cần có những phản ứng nhanh, đủ mạnh, phải là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước, định hướng dư luận xã hội, góp phần làm trong sạch môi trường số, xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, văn hóa, văn minh. Quan trọng hơn cả là cần ý thức của cộng đồng, trước khi tham gia mạng xã hội là ý thức trách nhiệm cá nhân trước xã hội, trước những quy tắc của pháp luật và hơn hết là bảo vệ vẻ đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc trong “cuộc chơi số” quá nhanh, quá nguy hiểm với những tác động khôn lường.

NGỌC TRẢNG