Giải pháp cấp bách và cần căn cơ hơn

Cập nhật, 09:32, Thứ Ba, 08/06/2021 (GMT+7)

 

Nhiều nhà ở xã Tân Long (Mang Thít) đã “cứng” mái nhà nhưng liên kết với tường không chắc nên cũng bị tốc mái luôn.
Nhiều nhà ở xã Tân Long (Mang Thít) đã “cứng” mái nhà nhưng liên kết với tường không chắc nên cũng bị tốc mái luôn.

Gần như thành quy luật, cứ vào mùa mưa là Vĩnh Long có hàng trăm căn nhà bị hư hỏng do giông, lốc, gió mạnh. Kiên cố nhà cửa, công trình là một trong những giải pháp cấp thiết và cần được thực hiện căn cơ hơn để giảm cảnh thiệt hại này…

Mỗi năm có trên 300 căn nhà bị hư hỏng do giông, lốc

Vĩnh Long có địa hình đồng bằng bằng phẳng, trống trải, bị chia cắt bởi nhiều sông ngòi, kinh, rạch; nhiệt độ chênh lệch cao giữa ngày và đêm, lượng mưa không đều trong mùa mưa và có nhiều đợt không mưa kéo dài trong mùa mưa. Đây là những điều kiện dễ sinh ra và dễ bị tác động của hiện tượng giông, lốc, sét trong mùa mưa.

Theo thống kê của ngành chức năng, giai đoạn 2010- 2020, mỗi năm có hàng trăm căn nhà cùng với nhiều diện tích cây trồng, công trình bị hư hại… do giông, lốc. Các năm có nhiều nhà bị thiệt hại là năm 2011: 345 căn, năm 2012: 835 căn, năm 2017: 353 căn, năm 2019: 408 căn và năm 2020: 332 căn. Trong 2 tháng đầu mùa mưa năm nay (đến 1/6/2021) đã có 74 căn nhà bị sập, tốc mái.

Hiệu quả chằng, chống nhà thấp

Những năm qua, song song với triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao kiến thức cộng đồng về lốc và cách phòng, tránh lốc đã được thực hiện hàng năm. Từ năm 2013, ngành chức năng của tỉnh và các huyện- thị- thành đã hỗ trợ nhân dân chằng- chống nhà bằng hình thức xuất kinh phí mua dây thép, cọc và cử cán bộ trực tiếp đến tận nơi hướng dẫn dân cách chằng- chống hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt đối với những hộ có phương tiện, nhân lực tự thực hiện chằng- chống nhà.

Giai đoạn năm 2013- 2017, mỗi năm có từ 2.000- 4.000 căn nhà được chằng- chống trong tổng số khoảng hơn 8.000 căn yếu cần chằng- chống (đạt từ 40- 50%). Tuy nhiên từ năm 2018- 2020, số nhà chằng- chống ít dần (đạt từ 100- 500 nhà/năm), chủ yếu là hộ dân tự chằng- chống; tỉnh, huyện ngưng hỗ trợ kinh phí do hiệu quả thấp vì có chằng- chống nhưng khi xảy ra giông, lốc, gió mạnh, nhà được chằng- chống vẫn bị sập, tốc mái!

Trước đây, có một số mô hình xây dựng đi-văng, xây các thùng, hầm bằng bê tông trong nhà, mô hình nhà chống bão và một số cách chằng- chống nhà để giảm thiểu tốc mái, sập nhà... cũng đã được giới thiệu, thực hiện thử nghiệm ở một số nơi, trong dân cũng đã làm. Tuy nhiên những giải pháp này đến nay chưa được sử dụng rộng rãi, trong đó có phần vì chưa phù hợp với tập quán của người dân và chưa có tính ràng buộc cụ thể. Thực tế cho thấy, nhà của dân xây mỗi nơi mỗi kiểu, chỉ chú ý che mưa, che nắng và thẩm mỹ, ít chú ý đến tính kiên cố chống bão, chống gió mạnh.

Theo quan sát của chúng tôi, tại hiện trường xảy ra cơn giông vào sáng 25/5 đã phá hủy 40 căn nhà ở 2 xã Tân Long và Bình Phước (Mang Thít) thì số nhà bị hư hại không những là nhà yếu, tạm bợ mà còn cả những nhà đã thực hiện “ba cứng” (nền, tường, mái). Có nhiều nhà đã “cứng” mái nhà (lợp tôn, ngói) nhưng liên kết với tường không chắc nên cũng bị tốc mái luôn!

Một cán bộ xã Tân Long đang phối hợp hỗ trợ dân thu dọn hiện trường bị gió lốc nói với chúng tôi rằng: Ngày nay, người ta xây nhà tường không dựng kèo, không lợp mái tôn “âm” vào tường, vào cột hoặc không “âm” vào gờ bê tông dọc 2 bên lề mái nhà để neo, giằng mái vì hay bị nước mưa thấm, dột. Còn lợp mái nhà nhô ra ngoài vừa không bị thấm, dột mà vừa thẩm mỹ hơn. Do đó, mái nhà bị bọc gió, dễ bị tốc mái khi gặp gió mạnh.

Cần có giải pháp cấp thiết và căn cơ hơn

Trước thực trạng trên, để có cơ sở khuyến cáo nhân dân làm theo, trước mắt, ngành chức năng cần tổ chức một chương trình hay đề tài/dự án nghiên cứu sâu về lốc nói riêng (giông, bão nói chung) trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận để đề ra giải pháp căn cơ hơn, thiết thực hơn phục vụ phòng chống lốc, bão. Cụ thể là đề xuất với cơ quan thẩm quyền ban hành quy định điều chỉnh trong hoạt động xây dựng nhà cửa, công trình phải tuân thủ yếu tố an toàn chống bão, lốc gió mạnh phù hợp với đặc thù của địa phương, nhằm giúp dân giảm bị thiệt hại.

Mặt khác, tỉnh Vĩnh Long cần tạo điều kiện thuận lợi để những hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ có nhà yếu… kịp thời tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ để kiên cố lại nhà cửa theo đúng chuẩn bằng cách ban hành, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ người dân xây dựng, kiên cố nhà lồng ghép yếu tố phòng chống bão, giông, lốc.

Hiện tại tỉnh Vĩnh Long đã có các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở, điển hình như: Chương trình Phát triển nhà ở đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành tại Nghị quyết số 260/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND tỉnh và Quyết định số 3052/QĐ-UBND ngày 3/11/2020 của UBND tỉnh và Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 25/4/2016 của UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011- 2015...

Tuy nhiên, quy định mức cho vay để làm nhà ở là 25 triệu đồng/hộ tại Quyết định số 653/QĐ-UBND và 35 triệu đồng/nhà để xây nhà “3 cứng” đảm bảo an toàn bão, lũ (diện tích tối đa 24m2) tại Quyết định số 3052/QĐ-UBND là quá thấp. Theo các chuyên gia, một ngôi nhà đảm bảo tiêu chuẩn phòng chống bão (diện tích khoảng 50m2) ít nhất là 75 triệu đồng!

Song song đó, Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ riêng cho các tỉnh vùng ĐBSCL như đã có chính sách đối với các tỉnh miền Trung (tại Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung) và nâng mức cho vay xây dựng nhà để giúp các tỉnh trong vùng giảm bớt thiệt hại do bão, lốc, gió mạnh gây ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động gia tăng.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH