Dấu ấn đồng chí Phạm Hùng với lực lượng Công an nhân dân

Cập nhật, 09:19, Thứ Bảy, 12/06/2021 (GMT+7)

 

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng dành nhiều thời gian cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ảnh: TL
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng dành nhiều thời gian cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ảnh: TL

Trong 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng có nhiều năm trực tiếp lãnh đạo lực lượng Công an: Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc (cuối năm 1945 đầu năm 1946); Bí thư Xứ ủy lâm thời, kiêm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ (1946- 1951), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1980- 1986).

Có thể nói sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân đã in đậm dấu ấn của đồng chí Phạm Hùng trong việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân xứng danh là “thanh bảo kiếm” của Đảng, “lá chắn thép” trong đấu tranh với các loại tội phạm.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, gần sau 15 năm bị tù đày, đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí khác trở về đất liền trong sự chào đón của đồng bào, đồng chí cả nước nói chung và của miền Nam nói riêng.

Ngày 15/10/1945, đồng chí Phạm Hùng tham dự Hội nghị cán bộ Đảng toàn xứ Nam Bộ và được bổ sung là Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp phụ trách Quốc gia Tự vệ cuộc. Tháng 11/1946, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Tháng 12/1947, tại Đại hội Xứ Đảng bộ toàn Nam Bộ, đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ. Sau đại hội, đồng chí tiếp tục làm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ.

Để xây dựng bộ máy Công an ngày càng vững mạnh, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ, đồng chí Phạm Hùng cùng lãnh đạo Sở Công an Nam Bộ phát động phong trào “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” trong Công an Nam Bộ. Năm 1951, “6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” được in thành cuốn sổ tay làm tài liệu học tập thường xuyên cho cán bộ, chiến sĩ Công an Nam Bộ.

Năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra gay go, ác liệt. Với cương vị là Bí thư Trung ương Cục, đồng chí Phạm Hùng tham gia trực tiếp với ban lãnh đạo An ninh Trung ương Cục giải quyết nhiều vấn đề về lý luận an ninh nhân dân, tạo nên sự thống nhất về nhận thức và hành động, đưa công tác an ninh vào nền nếp…

Nhờ vậy, lực lượng an ninh được củng cố và phát triển, công tác an ninh được đẩy mạnh ở khắp các địa bàn chiến lược, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.

Đầu năm 1980, đồng chí Phạm Hùng được Trung ương Đảng và Nhà nước phân công phụ trách khối Nội chính, đồng thời giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Trưởng BCĐ của Trung ương về đấu tranh chống ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng (BCĐ 79).

Đây là giai đoạn đất nước gặp khó khăn, 2 cuộc chiến tranh nổ ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; các lực lượng thù địch siết chặt bao vây cấm vận và tiến hành các hoạt động chống phá về mọi mặt; nguồn viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa bị cắt, giảm; khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng; sản xuất trì trệ…; cách mạng Việt Nam đứng trước thử thách khó khăn.

Bác Hai Phạm Hùng thăm tòa soạn Báo Công an nhân dân vào năm 1984.  Nguồn: Internet
Bác Hai Phạm Hùng thăm tòa soạn Báo Công an nhân dân vào năm 1984. Nguồn: Internet

Đồng chí Phạm Hùng cho rằng, nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi sự tham gia của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng lực lượng công an phải là nòng cốt.

Phải xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phối hợp giữa các ngành, các cấp, đặc biệt giữa công an và quân đội phải đoàn kết và hiệp đồng chặt chẽ trong công tác và chiến đấu ở từng đơn vị, từng cán bộ và chiến sĩ trên từng địa bàn.

Trước các âm mưu của các thế lực thù địch, đồng chí Phạm Hùng và các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ tham mưu cho Đảng ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về công tác xây dựng lực lượng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí trong ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Nội vụ chỉ đạo sát sao việc nghiên cứu dự thảo pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân để trình Bộ Chính trị và Quốc hội. Ngày 14/11/1987, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 1LCT-HĐNN công bố Pháp lệnh về lực lượng an ninh nhân dân. Sau khi pháp lệnh được ban hành, lực lượng an ninh nhân dân đã có cấp hàm, cấp hiệu, tạo điều kiện cùng với lực lượng cảnh sát nhân dân từng bước tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Cuối năm 1980, đầu năm 1981, những kẻ phản quốc như Lê Quốc Tý, Mai Văn Hạnh cầm đầu “Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam” tung biệt kích, gián điệp, tiền giả vào miền Nam nước ta. Chúng dự định cấu kết với bọn phản động trong nước xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng tại chỗ, hoạt động gây rối, gây bạo loạn hòng lật đổ chính quyền.

Đồng chí Phạm Hùng quyết thành lập ban chuyên án đấu tranh. Trong suốt hơn 4 năm (1981-1984), dưới sự chỉ đạo của đồng chí, ban chuyên án đã tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn toán gián điệp, đồng thời bóc gỡ mạng lưới gián điệp của chúng ở nội địa.

Ngoài ra, đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ và công an các đơn vị địa phương chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân Việt Nam phối hợp với Công an nước bạn Lào ngăn chặn có hiệu quả kế hoạch Z mang tên “Mật kế chiến lược đối với 3 nước Đông Dương” do Võ Đại Tôn chỉ huy; đấu tranh phá tan kế hoạch “Đông Tiến” do Hoàng Cơ Minh cầm đầu.

Điều đáng chú ý là trong quá trình chỉ đạo đấu tranh với các lực lượng FULRO, đồng chí Phạm Hùng luôn quán triệt để cán bộ, chiến sĩ nắm vững quan điểm: Đây không phải là vấn đề quân sự, phương án cơ bản là vận động quần chúng kêu gọi chồng, con, anh, em vùng dân tộc thiểu số trở về với Chính phủ, với buôn làng; phải đầu tư phát triển kinh tế, từng bước khắc phục khó khăn về đời sống cho vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình (1930- 1988), đồng chí Phạm Hùng đã dành 1/3 thời gian cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Dưới sự dìu dắt của Bác Hồ, dù ở cương vị nào đồng chí Phạm Hùng cũng đem hết tâm trí và sức lực để cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chăm lo, giáo dục, rèn luyện lực lượng Công an ngày một trưởng thành, thật sự là “thanh bảo kiếm” của Đảng, là lực lượng vũ trang cách mạng tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.

NGUYỄN MINH THUẬN