Nhiều khó khăn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cập nhật, 16:13, Chủ Nhật, 30/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Theo đánh giá kết quả phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương giai đoạn 2012- 2020 của Sở Khoa học- Công nghệ (KHCN), tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu, song cũng tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn.

Theo đó, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp; huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho KHCN, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; thu hút đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cụ thể hóa chủ trương và chính sách đúng đắn, góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; tiềm lực KHCN được đầu tư; các chương trình/ đề án/ đề tài/ dự án đều xuất phát từ nhu cầu bứt thiết, gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống;…

Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế là các văn bản quy phạm pháp luật về KHCN ở cấp trung ương được ban hành nhưng chậm hướng dẫn để tạo cơ sở pháp lý cho địa phương tham mưu các cấp lãnh đạo cụ thể hóa và triển khai thực hiện tại địa phương. 

Song song đó, các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp thì đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp, trong khi đó người sản xuất nông nghiệp quy mô hộ hoặc trang trại rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng; nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ có sức lan tỏa chưa cao, khó tiếp cận; chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao không thiếu nhưng rất cần hoàn thiện cơ chế chính sách sát với thực tế (đơn giản hóa thủ tục cho vay vốn, hoàn thiện chính sách đất đai thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất để hợp tác, sản xuất lớn).

CÔNG NGÔN