Để dịch vụ đô thị thông minh càng hiệu quả

Cập nhật, 05:50, Thứ Tư, 28/04/2021 (GMT+7)

(VLO) Việc triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) từ năm 2020 đã đạt được những hiệu quả bước đầu. Theo đó, tỉnh tiếp tục tăng cường các giải pháp để dịch vụ ĐTTM sau khi triển khai càng đi vào hoạt động hiệu quả.

Tỉnh đã kết nối 15 camera giao thông về Trung tâm IOC, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh để phát hiện lỗi vi phạm.
Tỉnh đã kết nối 15 camera giao thông về Trung tâm IOC, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh để phát hiện lỗi vi phạm.

Hiệu quả bước đầu

Về kết quả triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM tỉnh Vĩnh Long thời gian qua, ông Bùi Quang Viễn- Trưởng Phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin- Truyền thông) cho biết, tỉnh đã ban hành quyết định thành lập BCĐ xây dựng Chính quyền điện tử và Dịch vụ ĐTTM tỉnh Vĩnh Long, ban hành quy chế hoạt động của BCĐ; thành lập tổ triển khai và phân công cán bộ phụ trách các nội dung liên quan đến triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM.

Bên cạnh, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định về việc phê duyệt “Kế hoạch đánh giá kết quả triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM tỉnh Vĩnh Long”. Đồng thời, Sở Thông tin- Truyền thông phối hợp với đơn vị triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ sử dụng hệ thống.

Theo đánh giá chung, việc xây dựng trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM và các dịch vụ thí điểm ĐTTM của tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước cũng như đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và giải quyết công việc của cán bộ, công chức.

Cụ thể, đã xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM của tỉnh đặt tại trụ sở UBND tỉnh; xây dựng nền tảng dành cho lãnh đạo, cán bộ, công chức: phục vụ việc điều hành, chỉ đạo, giao việc, giải quyết công việc của cán bộ, công chức của tỉnh trên nền tảng di động; xây dựng nền tảng dành cho người dân, doanh nghiệp (Smart Vĩnh Long).

Theo đánh giá của Cục Tin học hóa về kết quả triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM tỉnh Vĩnh Long, dịch vụ phản ánh hiện trường được tích hợp trong ứng dụng di động Smart Vĩnh Long, cho phép người dân gửi phản ánh, kiến nghị của mình tới chính quyền trong 12 lĩnh vực (khoa học- công nghệ, thông tin- truyền thông, đô thị, giao thông vận tải, môi trường, an ninh trật tự, điện, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên nước, quản lý thị trường, y tế và du lịch).

Tính đến hết tháng 12/2020, dịch vụ đã tiếp nhận 113 kiến nghị, đã xử lý 109 kiến nghị và bước đầu đã được người dân đón nhận.

Bên cạnh, tỉnh đã kết nối 15 camera giao thông về Trung tâm IOC của tỉnh để giám sát, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh để phát hiện và ghi nhận các lỗi vi phạm giao thông, thông báo, cảnh báo trên hệ thống về các tình huống vi phạm.

Bên cạnh, kết nối một số camera sẵn có về Trung tâm IOC để thực hiện giám sát an ninh trật tự đô thị. Trong khi đó, dịch vụ y tế thông minh được tích hợp trong ứng dụng di động phục vụ người dân, cung cấp số điện thoại cấp cứu, bản đồ y tế, tra cứu thuốc, cẩm nang sức khỏe,… Dịch vụ cũng kết nối 32 camera theo dõi y tế trên địa bàn TP Vĩnh Long về Trung tâm IOC.

Đô thị thông minh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tất cả các lĩnh vực, cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân.
Đô thị thông minh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tất cả các lĩnh vực, cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân.

Trung tâm IOC đã kết nối với Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để tích hợp các thông tin về xử lý dịch vụ công. Ngoài ra, hệ thống cũng kết nối tín hiệu 51 camera tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa một số huyện để thực hiện giám sát hình ảnh tại khu vực tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính.

Đến tháng 2/2021, ứng dụng Smart Vĩnh Long đã có 3.896 lượt tải, hỗ trợ 2 nền tảng di động lớn là Android và iOS. Ứng dụng đã tích hợp các dịch vụ phục vụ người dân bao gồm phản ánh hiện trường, giáo dục, y tế, du lịch thông minh.

Nhìn chung, việc triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM đã có bước hiệu quả nổi bật. Trong đó, các ứng dụng trong thí điểm dịch vụ ĐTTM đều kết nối và chia sẻ, tập trung và thông suốt cho người sử dụng. Các ứng dụng được xây dựng phù hợp cho tất cả thiết bị máy tính, tivi, điện thoại thông minh.

Để dịch vụ ĐTTM càng hoạt động hiệu quả

Đề xuất nhiệm vụ cơ bản về chuyển đổi số trong xây dựng ĐTTM TP Vĩnh Long, TS. Nguyễn Đăng Hậu cho rằng, bên cạnh xây dựng trung tâm điều hành, xây dựng hệ thống camera đảm bảo an ninh trật tự thì cần xây dựng hệ thống quản lý, quy hoạch; phát triển kinh tế số và thương mại điện tử; tích cực triển khai hiệu quả chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục, y tế, giao thông, môi trường của tỉnh trên địa bàn thành phố.

Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long các thách thức đặt ra cho Vĩnh Long trong chuyển đổi số và dịch vụ ĐTTM hiện nay, TS. Nguyễn Đăng Hậu nói: Là tỉnh nông nghiệp, Vĩnh Long cần thay đổi nhận thức và hành động theo hướng tiếp cận cái mới, cái hiện đại.

Hiểu biết về chuyển đổi số có thể còn chưa rõ nhưng thực chất nó đã vào đời sống, từng lĩnh vực. Theo đó, cần có chương trình kế hoạch tuyên truyền về công nghệ kỹ thuật số, tích hợp các lĩnh vực…

Gợi mở một số vấn đề về chuyển đổi số và ĐTTM của các tỉnh, đồng thời bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi với tư cách chuyên gia, tuy nhiên TS. Nguyễn Đăng Hậu cũng cho rằng “không ai làm thay các đơn vị, lĩnh vực mà anh chị quản lý, do đó đơn vị cần tư duy về lĩnh vực của mình” và “tư duy là không làm một mình mà làm chung cho cả hệ thống”.

Đồng quan điểm này, Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông Đoàn Hồng Hạnh cho rằng, mỗi cá nhân sẽ có cảm nhận khác nhau về một ứng dụng, do đó, các đơn vị cần rà soát tại đơn vị để có định hướng phối hợp với cái chung của tỉnh.

Bà cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới các đơn vị đề xuất và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo nhu cầu, nhiệm vụ của ngành nhưng cần bám chắc kiến trúc của tỉnh để việc triển khai đạt hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN