"Giải cứu" cồn Thanh Long

Cập nhật, 05:32, Thứ Ba, 01/12/2020 (GMT+7)

 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đến khảo sát điểm sạt lở cồn Thanh Long để tìm giải pháp bảo vệ an toàn cho sản xuất, dân sinh tại khu vực này.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đến khảo sát điểm sạt lở cồn Thanh Long để tìm giải pháp bảo vệ an toàn cho sản xuất, dân sinh tại khu vực này.

Vừa qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh Vĩnh Long đã đến khảo sát điểm sạt lở, tại cồn Thanh Long (ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện- Vũng Liêm) nhằm tìm giải pháp bảo vệ sản xuất, dân sinh tại đây. Tinh thần chỉ đạo chung khẳng định sự tồn tại của cồn này, vấn đề hiện nay là cần tìm ra giải pháp căn cơ ứng phó hiệu quả, lâu dài với tình trạng sạt lở.

5 năm sạt lở mất 11ha đất

Theo UBND huyện Vũng Liêm, cồn Thanh Long được hình thành giữa lòng sông Cổ Chiên. Trước năm 2016, diện tích cồn Thanh Long khoảng 50ha, trong đó đất của hộ gia đình, cá nhân chiếm khoảng 44% (khoảng 22ha) với 11 hộ dân sinh sống, sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản. Diện tích còn lại do Nhà nước quản lý.

Do tình trạng sạt lở thời gian gần đây diễn ra khá nhanh, diện tích đất nông nghiệp của cồn mất khoảng 11ha. Diện tích đất còn lại khoảng 39ha và còn 9 hộ dân sinh sống với 24 nhân khẩu, trong đó có 7 hộ thường trú và 2 hộ không thường trú.

Để đảm bảo an toàn và ổn định lâu dài, giải pháp di dân ra khỏi khu vực sạt lở cồn Thanh Long đã được đặt ra. Trong ảnh: Bên cạnh cây ăn trái, người dân ở cồn Thanh Long trồng cây cau vàng để nâng cao thu nhập.
Để đảm bảo an toàn và ổn định lâu dài, giải pháp di dân ra khỏi khu vực sạt lở cồn Thanh Long đã được đặt ra. Trong ảnh: Bên cạnh cây ăn trái, người dân ở cồn Thanh Long trồng cây cau vàng để nâng cao thu nhập.

Trong những năm gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, kết hợp với nhiều yếu tố khác như nền đất của cồn là đất cát pha, sự thay đổi dòng chảy, sóng đánh vào bờ, tình trạng khai thác cát trái phép, đào ao nuôi thủy sản ven sông,… đã làm cho tình trạng sạt lở cồn Thanh Long ngày càng nghiêm trọng.

Giai đoạn trước năm 2016, cồn Thanh Long cũng có xuất hiện sạt lở nhưng mức độ thấp, nhưng từ năm 2016 thì tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Theo ông Lê Văn Lập- Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, để hạn chế sạt lở, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa, khắc phục như việc thường xuyên kiểm tra, bố trí kinh phí gia cố các điểm sạt lở nhỏ cũng như có nguy cơ sạt lở, trồng cây chắn sóng, kiểm tra xử lý tình trạng khai thác cát trái phép,… để bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân nơi đây.

Tuy nhiên, qua nhiều lần gia cố, khắc phục, Vũng Liêm hiện không thể giải quyết căn cơ tình trạng sạt lở của cồn này.

Qua đó, ông Lê Văn Lập cũng kiến nghị tỉnh khảo sát, hội thảo khoa học nhằm xác định nguyên nhân cũng như có giải pháp xử lý điều chỉnh dòng chảy để ngăn sạt lở đầu cồn, đồng thời xem xét đầu tư kinh phí nâng cấp toàn tuyến đê bao để người dân an tâm sinh sống và phục hồi sản xuất.

Trước mắt, địa phương đề nghị tỉnh hỗ trợ khắc phục tạm thời những điểm sạt lở nghiêm trọng, bởi nếu không can thiệp kịp thời thì nguy cơ sạt lở tiếp là rất cao, có thể 10- 15 năm nữa cồn Thanh Long sẽ không còn, trong khi cồn này cũng nằm trong dự án quy hoạch du lịch của huyện gồm 2 xã cù lao Quới Thiện và Thanh Bình.

Tìm giải pháp căn cơ

Qua khảo sát các điểm sạt lở đê bao cồn Thanh Long của Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Vĩnh Long mới đây, ông Nguyễn Văn Liệt- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh- chỉ đạo cần có giải pháp căn cơ trước mắt và cũng như lâu dài để bảo vệ dân sinh và sản xuất tại cồn Thanh Long.

Ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh cho rằng hiện nay khu vực này vẫn có nguy cơ sạt lở cao, đồng thời nêu quan điểm về việc đầu tư công trình bảo vệ cồn Thanh Long trên cơ sở thực hiện chính sách di dân, tiếp đó là Nhà nước đầu tư gia cố đê bao an toàn, lúc đó mới thu hút được nhà đầu tư hiệu quả. Muốn đầu tư cần khảo sát để đánh giá tổng thể để có phương án tối ưu. Giải pháp thi công được ông Lưu Nhuận đề xuất là dùng rọ đá và kè mềm để phù sa bồi tụ từ từ giúp khôi phục lại và tạo sự ổn định cho cồn. Nếu đầu tư theo hướng này thì kinh phí sẽ thấp hơn so với làm kè cứng bê tông.

Tính từ năm 2016 đến nay, đê bao cồn Thanh Long đã xảy ra hơn 3 lần sạt lở lớn, ước kinh phí gia cố khắc phục trên 1,2 tỷ đồng. Cụ thể, vào ngày 8/2/2016, sạt lở 3 đoạn gây tràn toàn tuyến đê bao với chiều dài 200m (sạt lở 30m, tràn 170m), gây ngập 17ha vườn cây ăn trái và ao nuôi cá, có 25 hộ bị ảnh hưởng (trong đó có 11 hộ có nhà tại cồn). Ngày 28/9/2019, sạt lở tuyến đê bao dài 80m khu vực nhà ông Phan Thanh Minh. Gần đây nhất là vào ngày 25/10/2020, sạt lở tuyến đê bao dài khoảng 150m (đoạn nhà ông Điều Văn Vũ và ông Nguyễn Chí Lập), gây ngập 7 căn nhà và toàn bộ diện tích vườn cây ăn trái.

Ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Cồn Thanh Long bị tác động bởi 5 hướng dòng chảy: 3 hướng Cổ Chiên, 1 hướng Mang Thít và 1 hướng Rạch Sâu.

Tuy nhiên, muốn biết dòng chủ lưu tác động vào cồn như thế nào cần phải đo đạc, xác định rõ bình đồ lòng sông, xác định được dòng chủ lưu tác động vào cồn để có hướng xử lý căn cơ, hiệu quả.

Ông Văn Hữu Huệ đồng tình với giải pháp di dân và kêu gọi đầu tư, chứ việc thuần túy gia cố làm kè xung quanh sẽ khó ngăn sạt lở trong tương lai.

Theo ông Đỗ Hoàng Trang- Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp- PTNT), 7 hộ dân cần di dời không có khả năng làm 1 dự án di dân độc lập nên địa phương cần rà soát số nền tái định cư còn lại để có thể vận động di dân về cụm dân cư thị trấn Vũng Liêm.

Hiện việc di dân ra khỏi vùng chịu ảnh hưởng thiên tai cũng được thực hiện theo chính sách hỗ trợ tái định cư tập trung (đối với hộ không có đất) hoặc tái định cư phân tán (đối với những hộ có đất).

Tìm giải pháp bảo vệ cồn Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt chỉ đạo ngành nông nghiệp chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan sớm lập dự án khả thi khu vực này, giải pháp di dân cũng cần được tính đến.

Trước mắt, ngành chuyên môn phối hợp cùng địa phương tập trung khắc phục sạt lở để đảm bảo an toàn cho đời sống và sản xuất, đồng thời sớm tham mưu phương án công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở tại khu vực này.

Theo TS. Văn Hữu Huệ, cồn Thanh Long đang sạt lở rất nhiều nơi, lý do cốt yếu nhất là dòng chảy thượng nguồn. Trước đây, thượng nguồn ít có đập thủy điện, dòng chảy nhiều phù sa, chất lơ lửng, còn bây giờ thượng nguồn chặn lại rồi, dòng chảy trong veo. Dòng chảy phải “ăn no” mới đi được, nên cào cấu phù sa, cát lòng dẫn bị hạ thấp xuống, độ sâu lòng sông càng sâu xuống. Chưa kể nguyên do khai thác cát với trữ lượng lớn cũng tác động không nhỏ đến dòng chảy và cũng là yếu tố gây sạt lở; việc trồng cây gây bồi tại khu vực này cũng khó thực hiện được khi bờ bao mái dốc đứng.

Bài, ảnh: LÊ SƠN