Thảo luận văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đưa sứ mạng "phát triển con người", "nâng cao chất lượng nguồn nhân lực" vào văn kiện là phù hợp

Cập nhật, 20:47, Thứ Tư, 11/11/2020 (GMT+7)

 

Trong phiên thảo luận đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đóng góp một số vấn đề; trong đó đại biểu đề nghị quan tâm xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao; tiếp tục quan tâm đến chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên và nghiên cứu bổ sung việc xây dựng chiến lược, thể chế quy định việc quản lý về việc bảo vệ môi trường…

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, cơ bản kết tinh được trí tuệ và những kết quả của tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; đồng thời vừa kế thừa những nội dung đã được nêu trong văn kiện các đại hội trước, vừa có nhiều phát triển phù hợp với thực tiễn và đổi mới tư duy đối với các vấn đề trọng đại của đất nước, trong 5-10 năm tới.

Đối với báo cáo về công tác xây dựng Đảng, đã đề cập phương hướng chung, các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá như vậy là phù hợp.

Đây là sự kế thừa, phát triển cách tiếp cận của nhiệm kỳ Đại hội XII, có những bổ sung cần thiết, đặc biệt là giải pháp đột phá.

Những hạn chế cần lưu ý thêm trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII là: Một, việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước với quy định của Đảng.

Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, mặc dù có nhiều nội dung đổi mới nhưng vẫn chưa phản ánh đúng thực chất.

Hai là, chính sách cán bộ chưa tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp.

Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và cấp ủy viên là nữ, trẻ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Thủ tục hành chính trong một số khâu của công tác cán bộ chậm cải tiến.

Ba là, công tác nắm và giải quyết vấn đề chính trị hiện nay có nơi, có lúc còn hạn chế. Hiện tượng lộ, lọt bí mật, phát ngôn không đúng quy định vẫn còn xảy ra ở một số nơi nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, bảo vệ tổ chức, bảo vệ cán bộ còn thiếu chủ động.

Bài học kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện, tôi thống nhất rất cao và cho rằng quan trọng nhất và cần được quán triệt và thực hiện một cách nghiêm túc và thường xuyên là: đổi mới công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Coi trọng sự gương mẫu của cấp trên; đề cao bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu và phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên.

Ngoài ra, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cách làm bài bản, dân chủ, chắc chắn và có bước đi phù hợp; kiên trì, cầu thị, lắng nghe; không cầu toàn, không chủ quan, nóng vội, mất cảnh giác và không tự mãn với thành tích đạt được.

Đối với những việc mới, khó, phức tạp thì tiến hành thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm phù hợp, hiệu quả nhất để nhân rộng.

Song song đó, thường xuyên tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Tôi thống nhất rất cao 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030. Những nhiệm vụ trọng tâm (6 nhiệm vụ) và xác định 3 đột phá chiến lược.

Trong đó, điểm nổi bật và mới trong văn kiện là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khi những khát vọng, niềm tin của mỗi người dân được khơi dậy, đứng vững, kết thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thì chắc chắn mọi khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh mới với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước Việt Nam sẽ phát triển và thực sự phồn vinh, hạnh phúc, đời sống vật chất tinh thần người dân được nâng cao, môi trường sống yên bình, văn minh và tiến bộ, cùng tiến bước, sánh vai với các nước trong khu vực như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.

Về các nội dung khác, trong dự thảo phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về GD-ĐT đáng chú ý là, lần đầu tiên trong văn kiện, Đảng đồng thời đưa sứ mạng “phát triển con người” cùng với sứ mạng “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” của GD-ĐT.

Đây là điểm mới so với Nghị quyết Đại hội XII: “Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực”. Điều này rất cần thiết và phù hợp với thực tế và với triết lý giáo dục “Dạy người, dạy chữ, dạy nghề”, quan điểm chỉ đạo về GD-ĐT đã khẳng định trong các văn kiện Đảng trước đây.

Về quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội tại mục VIII dự thảo báo cáo chính trị, tôi đề nghị quan tâm:

Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, viện phí, mở rộng phạm vi thanh toán BHYT, nhất là đối tượng trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn; hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng bộ ở các cấp; tăng cường việc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tiếp tục quan tâm đến chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên. Điều này hợp lý và chính đáng bởi đây chính là lực lượng nòng cốt quyết định chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá trong Dự thảo văn kiện đại hội. Song song, có kế hoạch cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, quan tâm giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường.

Về nội dung bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, tôi đề nghị cần quan tâm và nghiên cứu bổ sung việc xây dựng chiến lược, thể chế quy định việc quản lý về việc bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, khí đốt đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đặc thù; cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, hướng đến xây dựng và phát triển hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, môi trường đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước.

B.THANH- Q.NHƯ (ghi)