Sổ tay

Bước tiến cho nông sản

Cập nhật, 07:56, Thứ Ba, 22/09/2020 (GMT+7)

Những ngày qua, ngành nông nghiệp đón nhận tin vui sau gạo và tôm, lần lượt cà phê, chanh leo, trái cây được sang Châu Âu với thuế suất ưu đãi chưa từng có.

Rau, quả tươi Việt Nam được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua và EU hiện là thị trường xuất khẩu thứ 4. Cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Châu Âu (EVFTA) đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng ngay trong quá trình đàm phán ký kết EVFTA, ngành nông nghiệp được xác định có rất nhiều lợi thế với 3 trụ cột chính.

Đó là, có thể đẩy mạnh thương mại xuất khẩu nông sản ở một số nhóm mặt hàng đang có lợi thế như tôm, cà phê, trái cây, gạo... Thông qua việc thực thi hiệp định, có thể tiếp thu các công nghệ chế biến hiện đại của EU thông qua đầu tư FDI.

Nâng cao năng lực quản trị thông qua các chương trình hợp tác đào tạo quản lý, tập huấn; nâng cao kỹ năng phát triển thị trường để cùng nhau phát triển.

Ngay khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam tập trung đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu để tận dụng được ưu đãi về hạn ngạch thuế quan. Theo thống kê sơ bộ, chỉ sau 1 tháng thực hiện EVFTA, xuất khẩu nông sản sang EU có thể tăng 15- 17% so với tháng 7/2020. Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết ngày 16/9, Bộ Nông nghiệp- PTNT phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức lễ xuất khẩu cà phê và chanh leo sang EU theo EVFTA; ngày 17/9 tại Bến Tre là lễ xuất khẩu trái cây sang thị trường này sau khi được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Trước đó, đã có lễ xuất khẩu tôm tại Ninh Thuận.

“Tôi đánh giá, gạo, tôm, cà phê, trái cây... đang là những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam tại thị trường EU”- ông nhận xét.

Để khai thác tốt thị trường EU, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã và đang cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội, lợi thế, tiếp tục cải tiến công nghệ, phát triển các sản phẩm chế biến sâu để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU.

AN HƯƠNG