Đề nghị dừng tổ chức các Lễ hội tôn giáo thường niên

Cập nhật, 11:37, Thứ Tư, 25/03/2020 (GMT+7)

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị dừng các lễ hội tôn giáo thường niên như lễ Phục sinh, lễ Phật đản, Tết Chool Chnăm Thmây...

Sinh hoạt tôn giáo thường tập trung đông người và đây cũng là nơi có nguy cơ cao trong việc lan lan dịch bệnh. Trong tổng số 134 người mắc Covid-19 hiện nay, có 3 tín đồ theo đạo Hồi sau khi tham dự một Lễ hội ở Malaysia.

Để hiểu rõ hơn về tình hình phòng chống dịch bệnh trong các tôn giáo tại Việt Nam, phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ. 

Lễ hội tôn giáo thường tập trung đông người. Trong ảnh là Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tổ chức tại Việt Nam năm 2019.
Lễ hội tôn giáo thường tập trung đông người. Trong ảnh là Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tổ chức tại Việt Nam năm 2019.

PV: Thưa ông, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có khuyến cáo gì đối với 43 tổ chức tôn giáo trên toàn quốc?

Ông Nguyễn Văn Long: Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng ban hành 2 văn bản đề nghị lãnh đạo các Tổ chức Giáo hội đồng hành cùng chính quyền, khuyến cáo chức sắc, tín đồ tôn giáo chấp hành đúng quy định về phòng dịch.

Các tổ chức tôn giáo như Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội thánh Tin lành, Cao Đài, Tứ Ân hiếu nghĩa…đều cam kết với Ban Tôn giáo Chính phủ quán triệt đến các tín đồ, đăng tải trên các website của Tổ chức giáo hội mình hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng quy định về phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Long
Ông Nguyễn Văn Long

Đặc biệt, khi dịch bước vào giai đoạn 2, ngày 20/3, Ban Tôn giáo Chính phủ có công văn ghi nhận những đóng góp của tôn giáo trong phòng chống dịch, đồng thời cũng yêu cầu các tôn giáo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về việc không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, dừng tổ chức các đại hội, lễ hội tôn giáo thường niên theo hiến chương, điều lệ như Lễ Phục sinh trong Công giáo, Tin lành; lễ Phật đản trong Phật giáo và Tết Chool Chnăm Thmây trong đồng bào Khmer, dừng các đại hội nhiệm kỳ của Hội thánh Cao Đài, Hội nghị thường niên của Hội đồng tinh thần tôn giáo Baha'i và Đạo hội Tứ Ân hiếu nghĩa; Không cử người tham gia các lễ hội tôn giáo ở nước ngoài; Không tiếp đón chức sắc đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch; Khuyến cáo các chức sắc, tín đồ có sinh hoạt tôn giáo phù hợp, hạn chế sinh hoạt tập trung, hạn chế việc lây nhiễm; Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiễm của chức sắc, chức việc trong việc tự giác phòng chống dịch bệnh. 

Đối với cơ sở thờ tự có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, kịp thời báo cáo chính quyền tạm dừng hoạt động và tiến hành khử khuẩn, không để lây lan trong tín đồ và cộng đồng dân cư; Vận động chức sắc, tín đồ là người Việt Nam ở nước ngoài không về Việt Nam trong thời gian có dịch. Trường hợp thật cần thiết mà về thì phải nghiêm túc chấp hành khai báo y tế và cách ly theo đúng quy định. 

Lễ hội của người Hồi giáo tại Malaysia
Lễ hội của người Hồi giáo tại Malaysia

PV: Vừa qua, một số tín đồ theo đạo Hồi đã tham gia một lễ hội tôn giáo lớn ở Malaysia, Ban Tôn giáo có nắm được không và cụ thể đã có bao nhiêu người nhiễm bệnh, bao nhiêu người bị cách ly? 

Ông Nguyễn Văn Long: Hiện có 3 trường hợp là tín đồ Hồi giáo đã mắc Covid-19, trong đó 2 người ở Bình Thuận và 1 người ở TP.Hồ Chí Minh. 

Họ là những người đã tham dự Lễ hội Hồi giáo ở Malaysia. Về số người đi dự lễ hội này, theo con số báo cáo ở các địa phương, có 106 người Việt Nam tham gia, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Họ đi theo hình thức du lịch, không báo cáo chính quyền địa phương và không báo cáo lãnh đạo Tổ chức Giáo hội nên cũng gây khó khăn cho công tác quản lý.

Sau khi có con số thống kê, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo đã vận động họ khai báo y tế. Danh sách cụ thể những người tham gia cũng đã được gửi đến Ban chỉ đạo chống Covid-19 của Trung ương. Việc tiến hành cách ly hay không là do các cơ quan chức năng ở địa phương. 

PV: Về việc hành lễ của người nước ngoài tại Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ có thông tin gì không?

Ông Nguyễn Văn Long: Tại Việt Nam có khoảng 8000 người Hàn Quốc theo đạo Tin lành và sinh hoạt tôn giáo tập trung tại 48 điểm nhóm. Số người này, thời gian trước thường xuyên ra vào Việt Nam và có nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Ban Tôn giáo Chính phủ và Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đã yêu cầu, hướng dẫn các tổ chức Tin lành của người nước ngoài thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, không thực hiện sinh hoạt tôn giáo tập trung, cung cấp thông tin, lập danh sách những chức sắc, tín đồ đi qua vùng dịch…Theo tôi được biết, họ đã thực hiện rất nghiêm túc khuyến cáo của phía Việt Nam.  

PV: Trong tháng 4 và tháng 5 sẽ có nhiều hoạt động tôn giáo có thể tập trung đông người. Vậy, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có động thái gì với các Tổ chức Giáo hội?

Ông Nguyễn Văn Long: Tới đây có nhiều hoạt động tôn giáo như Lễ Phục sinh (12/4) của đồng bào Công giáo và Tin lành, Tết Cho Chnam Thmay (15/4) của đồng bào Khmer, Lễ Phật đản (15 tháng 4 âm lịch) của đồng bào theo đạo Phật, các đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 của đạo Cao Đài diễn ra ở 20 tỉnh, thành phố phía Nam. Đây là những lễ trọng của đồng bào và rất khó hạn chế số người tham dự.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo đã có văn bản hướng dẫn gửi lãnh đạo các giáo hội nên tạm dừng, tạm lùi các hoạt động tập trung đông người, nhất là các đại hội của đạo Cao Đài.

Với Lễ Phục sinh, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã có 2 thư gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam và các Hội thánh Tin lành Việt Nam, trong đó khuyến cáo lãnh đạo hai Giáo hội thực hiện công tác phòng chống dịch và có hình thức tổ chức phù hợp, không tổ chức cầu nguyện tại cơ sở thờ tự và theo thông tin tôi nắm được, lãnh đạo Giáo hội công giáo và Tin lành đã cam kết cùng đồng hành với chính quyền trong phòng chống dịch.  

Về Lễ Phật đản, tới đây, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ có buổi làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để quán triệt việc tạm dừng tổ chức ngày lễ này.   

PV: Trên thực tế, các Tôn giáo đã thực hiện khuyến cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ như thế nào và vì sao, Thủ tướng vẫn băn khoăn về hoạt động tập trung đông người của các tôn giáo? 

Ông Nguyễn Văn Long: Thực tế, trong cộng đồng dân cư, việc nhận thức về tác hại của dịch bệnh trong đồng bào có đạo nơi này, này kia vẫn hạn chế cho nên một số cơ sở thờ tự vẫn còn có hoạt động cầu nguyện vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, số này là rất ít.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được, chẳng hạn như thánh đường Hồi giáo Văn Lâm ở Bình Thuận. Chúng tôi đã đề nghị tạm dừng hoạt động và các cơ quan chức năng phun khử khuẩn… 

PV: Đối với các cơ sở thờ tự của Phật giáo, người dân thường hay đến hành lễ rất đông. Ban Tôn giáo có nắm được không và làm thế nào để hạn chế tình trạng tập trung đông người? 

Ông Nguyễn Văn Long: Từ trước Tết Nguyên đán, ngày 11/2, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có cuộc họp với các Bộ, ngành chức năng tại Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để quán triệt việc thực hiện phòng chống dịch tại các chùa chiền, cơ sở thờ tự, tịnh thất của Phật giáo…

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã hướng dẫn các cơ sở thờ tự tạm dừng các lễ hội, các khóa tu đông người.

Theo chúng tôi nắm được thì dịp Tết vừa qua, số người đến hành lễ tại các cơ sở Phật giáo ít hơn nhiều so với mọi năm. Một số chùa đã phát khẩu trang, nước rửa tay, hướng dẫn người nước ngoài khi đến chùa tham quan thì phải dùng khẩu trang… 

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Tôn giáo Chính phủ mong muốn lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, chính quyền, vận động tín đồ và nhân dân nghiêm túc phòng dịch, nêu cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng theo tinh thần đồng hành cùng dân tộc.

PV: Xin cảm ơn ông./.  

Theo Giáng Hương/VOV.VN