Mặn đã vượt ngưỡng 4‰

Cập nhật, 08:37, Thứ Tư, 11/12/2019 (GMT+7)

Những ngày qua, độ mặn vượt ngưỡng 4‰ đã xuất hiện tại hầu hết các trạm. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khuyến cáo các địa phương cần thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo để có biện pháp chủ động ứng phó phù hợp.

Mô hình trữ nước ngọt để ứng phó hạn, mặn quy mô hộ gia đình.
Mô hình trữ nước ngọt để ứng phó hạn, mặn quy mô hộ gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Lợi- Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, độ mặn đo được vào lúc 7 giờ ngày 10/12 tại các trạm như: cống Nàng Âm 5,9‰, Tích Thiện 4,9‰, Quới An 4,5‰. Trước đó, độ mặn cao nhất trong ngày 9/12 đo được tại các trạm cống Nàng Âm 5,8‰, Tích Thiện 5,2‰, Quới An 5,6‰.

Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mang Thít- thông tin kết quả khảo sát đo độ mặn ngày 9/12 của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện tại vàm sông Măng Thít (khu vực bến phà Chánh An) là 4,4‰. Dự báo của địa phương này trong thời gian tới độ mặn có thể tăng theo kỳ triều cường rằm tháng 11âl.

Trên sông Tiền, tại khu vực xã Trung Thành Tây (Vũng Liêm), tháng 12/2019- 1/2020, nước ngọt vẫn dồi dào, chỉ những lúc triều cao mới xuất hiện mặn. Từ tháng 2 trở đi, thời kỳ triều cao có mặn, nước ngọt giảm. Trên sông Hậu, mặn xâm nhập biến động nhanh và có nhiều bất thường. Ranh mặn 4‰ có khả năng đến Trà Ôn.

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, dòng chảy mùa khô năm 2019- 2020 từ thượng lưu sông Mekong về đồng bằng có khả năng ở mức thấp kỷ lục nên xâm nhập mặn mùa khô ở ĐBSCL là rất nghiêm trọng, đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài.

Cụ thể, các vùng cách biển 30- 40km từ tháng 12/2019 mặn có khả năng vượt quá 4‰, từ tháng 1/2020 trở đi các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Các vùng cách biển 45- 65km, từ tháng 12/2019- 5/2020 có khả năng bị mặn cao hơn 4‰ xâm nhập. Nếu mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2020. Trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường mặn sẽ xâm nhập sâu. Khi triều rút, mực nước thấp có khả năng xuất hiện nước ngọt (trong một ngày, đỉnh triều có thể mặn khá cao nhưng chân triều có thể độ mặn thấp, có thể lấy nước).

Vùng cách biển xa hơn 70- 75km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4‰ nhưng cũng cần cẩn thận trong các đợt triều cường và vẫn là vùng xâm nhập của nước mặn nồng độ dưới 4‰, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Cũng theo viện này, kết quả dự báo triều cường năm 2019- 2020 có một số điểm bất lợi như đỉnh triều các tháng 1- 3/2020 khá cao. Thời kỳ triều cao kéo dài trong những tháng lưu lượng nước về đồng bằng giảm thấp. Mùa gió chướng bắt đầu hoạt động ngay từ đầu mùa khô. Đây là các yếu tố góp phần đẩy mặn xâm nhập sâu vào hệ thống kinh, rạch vùng ĐBSCL.

Nạo vét kinh thủy lợi nội đồng, củng cố bờ bao ngăn mặn.
Nạo vét kinh thủy lợi nội đồng, củng cố bờ bao ngăn mặn.

Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng đưa ra nhận định nguồn nước ngọt trên đồng bằng có khả năng khan hiếm ngay từ đầu mùa khô, các hoạt động sản xuất chủ yếu tích trữ, sử dụng nước mưa. Thêm vào đó, nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn, tăng nhu cầu nước cho cây trồng, vật nuôi.

Với việc mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và kéo dài như trên, vụ Đông Xuân 2019- 2020 sẽ chịu ảnh hưởng lớn do thiếu nước tưới, nhất là các vùng cách biển đến 40- 45km, đặc biệt từ tháng 1 trở đi.

Vụ Hè Thu có khả năng bị ảnh hưởng nếu không có mưa sớm, chi phí sản xuất tăng do sử dụng bơm chuyền 2 đến 3 cấp để tận dụng nguồn nước thấp trong kinh nội đồng chống hạn.

Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh những tháng vụ Đông Xuân 2019- 2020, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo các địa phương ở ĐBSCL cần có kế hoạch triển khai công tác phòng chống hạn, mặn ở thế chủ động. Theo đó, đóng cống ngăn mặn kịp thời, đắp đập thời vụ (đập tạm), nạo vét một số kinh trục chính, củng cố bờ bao trữ nước trên hệ thống kinh rạch nội đồng.

Bên cạnh đó, cần làm tốt việc quản lý điều tiết nước và vận hành cống, thông tin dự báo kịp thời, lập kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nước bơm tác chống hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Bài, ảnh: LÊ SƠN