Từ Nghị quyết "thuận thiên"- biến thách thức thành cơ hội

Kỳ 3: Giao thông đồng bằng- "chiếc áo quá chật"

Cập nhật, 13:57, Thứ Tư, 06/11/2019 (GMT+7)

Nhiều dự án giao thông trọng điểm nhằm kết nối các tỉnh- thành vùng ĐBSCL với vùng kinh tế trọng điểm cả nước là TP Hồ Chí Minh chưa được hoàn thiện. Theo Bộ trưởng Giao thông- Vận tải- Nguyễn Văn Thể: “Đây là điểm nghẽn cho sự phát triển bền vững”.

Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn nhiều bất cập.
Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn nhiều bất cập.

Đầu tư chưa tương xứng

Từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh ĐBSCL có 3 lộ trình chính, đó là đi theo đường N2, QL1 và QL60 khoảng 40km cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Tiền Giang.

Nhưng vào các ngày lễ tết, thường có một điểm chung là kẹt xe và ùn ứ nghiêm trọng. Một trong những điểm “kẹt xe ám ảnh” là cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang- Bến Tre; cầu Mỹ Thuận nối Tiền Giang- Vĩnh Long.

Riêng tại cầu Rạch Miễu, phà Đình Khao (nối Vĩnh Long- Bến Tre) không chỉ kẹt vào lễ, tết mà từ nhiều năm trở lại đây còn kẹt thêm các ngày cuối tuần. Người dân ĐBSCL vui mừng khi cầu Vàm Cống thông xe thì vẫn mỏi mòn chờ ngày tuyến huyết mạch Trung Lương- Mỹ Thuận hoàn tất.

Theo ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nằm ở trung tâm ĐBSCL, giữa sông Tiền và sông Hậu, Vĩnh Long không có biển, chưa có đường hàng không cũng như đường sắt, cao tốc.

Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, kết nối với các tỉnh lân cận chưa được thuận lợi. QL1 như một trục xương sống nhưng đã xuống cấp mặt đường, nhiều đoạn úng ngập, sửa chữa chắp vá. QL53 kết nối Vĩnh Long- Trà Vinh nhỏ hẹp, chất lượng kém.

Giao thông góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL.
Giao thông góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh- Võ Văn Hoan, theo quy hoạch, mạng lưới cao tốc, vành đai QL và các tuyến đường sắt, đường thủy tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần hoàn thành vào năm 2020.

Tuy nhiên thực tế cho thấy hiện một số tuyến đường mới được đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang trong quá trình nghiên cứu, nên dù được cải thiện nhưng cơ sở hạ tầng ở đây thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Cụ thể, ông Võ Văn Hoan cho biết, kinh Chợ Gạo- tuyến giao thông thủy chính từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh vùng ĐBSCL- thì chiều rộng tuyến kinh này chưa đảm bảo, hệ thống logistics cũng yếu kém trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa 2 nơi ngày càng tăng. Còn các tuyến đường bộ cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào dịp lễ, tết.

Những hạn chế này khiến chi phí vận tải hàng hóa tăng cao, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của khu vực.

Nói về mặt tương tác trong phát triển kinh tế- xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng lâu nay TP Hồ Chí Minh được coi là thuộc Đông Nam Bộ nhưng thực tế cho thấy, quan hệ kinh tế của TP Hồ Chí Minh với ĐBSCL còn lớn hơn.

Quy mô kinh tế (GRDP) của các tỉnh khu vực này lớn gấp 1,8 lần của Đông Nam Bộ. Quy mô dân số là 19,6 triệu người, gấp 2,3 lần Đông Nam Bộ. Cứ 5 năm, dân số TP Hồ Chí Minh tăng 1 triệu người, đa số là từ các tỉnh vùng ĐBSCL. Chính lực lượng lao động này đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế thành phố.

“Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chậm phát triển, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và con người hàng chục năm qua đang là cản trở lớn nhất cho phát triển kinh tế- xã hội của ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh”- Bí thư Thành ủy- Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, quy mô kinh tế của ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh chiếm 42% cả nước, song đầu tư cho giao thông thời kỳ 2011- 2015 chỉ chiếm 20% đầu tư cả nước, còn thời kỳ 2016- 2020 chỉ chiếm khoảng 26%.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đã hoàn thành các dự án và đưa vào sử dụng. Điển hình như khánh thành cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh.

Bên cạnh, đã tham mưu với Chính phủ, Quốc hội và bố trí được 10.600 tỷ đồng để thực hiện một số dự án mới như: QL30, QL57, QL53, cầu Mỹ Thuận 2… Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa hài lòng vì giao thông vận tải khu vực này vẫn đang làm “điểm nghẽn” rất lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển.

Đề xuất phân bổ 45.000 tỷ đồng

Cầu Cao Lãnh khánh thành thay thế phà, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Cầu Cao Lãnh khánh thành thay thế phà, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Kỳ vọng khu vực ĐBSCL “cất cánh”, Bộ trưởng Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết giai đoạn sắp tới sẽ tham mưu với Chính phủ một số lĩnh vực ưu tiên. Đối với đường bộ, cam kết sẽ kết nối tốt ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh thông qua 5 dự án lớn gồm: dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ;

dự án thứ 2 là tập trung nâng cấp QL60 với trọng tâm là xây dựng cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi để hình thành tuyến phía Đông kết nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh; Dự án đường N2 xuyên Đồng Tháp Mười kết nối với tứ giác Long Xuyên đang quá tải và 2 dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 giúp kết nối Đông- Tây TP Hồ Chí Minh.

Số liệu của Bộ Giao thông- Vận tải cho thấy, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL giai đoạn 2016- 2020 là hơn 65.000 tỷ đồng (chiếm 15,5% cả nước- tăng so với mức 12,2% của giai đoạn 2011-2015).

Đường thủy cũng lợi thế rất lớn nhưng chưa khai thác đúng tiềm năng. Do đó, trong thời gian tới Bộ Giao thông- Vận tải sẽ tham mưu Chính phủ để nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo kết nối khu vực đồng bằng với TP Hồ Chí Minh để giảm tải cho đường bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ đề xuất hình thành cảng biển lớn ở ĐBSCL và ưu tiên cảng biển nước sâu, biến Cần Thơ thành trung tâm logistics của đồng bằng.

Đặc biệt, ông cho biết: Về đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ, hiện Bộ Giao thông- Vận tải đã làm việc với các địa phương và tư vấn để tìm ra giải pháp tốt nhất báo cáo với Chính phủ. Tuyến đường sắt này sẽ góp phần chia lửa cho đường bộ, thúc đẩy kinh tế vùng với TP Hồ
Chí Minh.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề xuất các giải pháp để huy động nguồn vốn đầu tư. Theo đó, lấy từ nguồn ngân sách thành phố nộp hàng năm cho Trung ương. Cụ thể, là dành riêng 20% nguồn đó để đầu tư cho giao thông TP Hồ Chí Minh và Tây Nam Bộ.

Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua ngân sách trung ương đã quan tâm nhiều hơn cho vùng này nhưng chưa đủ.

ĐBSCL hiện chưa có cảng nước sâu, đường sắt, hệ thống đường thủy chưa phát triển đồng bộ. Bộ trưởng đề xuất phân bổ 45.000 tỷ đồng (2 tỷ USD) cho khu vực này trong 5 năm tới, nhằm đẩy nhanh các dự án cấp bách. Trong đó, một nửa lấy từ ngân sách, còn lại huy động từ những nguồn khác.

Kỳ 4: Chuyển hướng chiến lược nông nghiệp đồng bằng

Bài, ảnh: NHÓM PV