Tăng cường hiệu quả quản lý và bảo tồn đất ngập nước ở Việt Nam

Cập nhật, 16:29, Thứ Hai, 14/10/2019 (GMT+7)

Đó là tiêu đề hội thảo do Tổng Cục môi trường và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, ngày 11/10/2019.

TS. Trần Ngọc Cường- Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho biết, có khoảng 12 triệu ha hệ sinh thái đất ngập nước phân bố ở khắp mọi vùng sinh thái của Việt Nam. Đến nay, cả nước có 1.028 loài cá, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển... Nhìn chung, đất ngập nước mang lại nhiều giá trị to lớn cho bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, các vùng đất ngập nước đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người, hệ thống pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, tác động của BĐKH…

Theo đó, diện tích nhiều vùng đất ngập nước bị suy giảm, thậm chí bị biến mất do sức ép khai thác, sử dụng đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên gia tăng dẫn đến đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng, số lượng các loài nguy cấp, quý hiếm đang ở mức đe dọa…

Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của đất ngập nước, hướng đến tăng cường hiệu quả quản lý và bảo tồn đất ngập nước ở Việt Nam, trong đó có các hệ sinh thái đất ngập nước ở ĐBSCL.

SÔNG HẬU