Long Hồ chủ động ứng phó triều cường

Cập nhật, 13:43, Thứ Tư, 16/10/2019 (GMT+7)

Những đợt triều cường vừa qua, huyện Long Hồ đã chủ động trong công tác gia cố đê bao, nâng cao nền đê bảo vệ vườn cây ăn trái trên 4 xã cù lao. Tuy nhiên, một số vùng rẫy ven đô thị Vĩnh Long đã bị thiệt hại vì chủ quan nên không kịp trở tay con nước cuối tháng 9 vừa qua.

Long Hồ có nhiều địa bàn bị ngập nặng thường xuyên. Trong ảnh: Đoạn đường ngã ba Long Hiệp (xã Long An), ngập nặng ảnh hưởng giao thông, đợt triều cường cuối tháng 9 vừa qua.
Long Hồ có nhiều địa bàn bị ngập nặng thường xuyên. Trong ảnh: Đoạn đường ngã ba Long Hiệp (xã Long An), ngập nặng ảnh hưởng giao thông, đợt triều cường cuối tháng 9 vừa qua.

4 xã cù lao chủ động

Qua những đợt triều cường vừa qua cho thấy, những địa phương không chủ quan và có sự chủ động trong công tác phòng chống, gia cố đê bao thì sẽ giảm được nhiều thiệt hại vườn cây ăn trái, hoa màu.

Mặc dù hiện tượng con nước về muộn, nhưng theo dự đoán của ngành chức năng con nước rằm tháng 9 âm lịch vừa qua và những con nước tiếp theo sẽ rất cao, thế nên người dân và chính quyền địa phương trên 4 xã cù lao huyện Long Hồ đã và đang khẩn trương gia cố lại những cống đập, đoạn đê bao bị sạt lở trước đó.

Trước đó, tại xã An Bình người dân và chính quyền nơi đây đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để phòng chống thiên tai như vận động nhân dân tự be bờ gia cố lại những tuyến đê bao có nguy cơ bị sạt lở để bảo vệ cây ăn trái và ao nuôi cá.

Ông Lê Văn Bé Chính (ấp An Hòa, xã An Bình) nói: “Mùa nước dù có lên cao hay thấp, mình phải tự giác và chủ động đắp bờ đê bao gia cố cho chắc chắn để bảo vệ an toàn vườn của mình cho ổn định. Không nên chủ quan có gì trở tay không kịp”.

Ông Lê Minh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã An Bình- cho rằng: “An Bình có nguy cơ sạt lở cao, nhưng kinh phí không đảm bảo, do đó vận động bà con tự gia cố đê bao trong mùa lũ, các điểm sạt lở người dân hiểu và rất đồng tình thực hiện. Vì đó cũng là bảo vệ sự an toàn cho vườn cây nhà mình”.

Trước đó, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ và chính quyền các xã cù lao đã tiến hành khảo sát những tuyến đê bao, bờ vùng để có kế hoạch gia cố kịp thời.

Một điều đáng ghi nhận là hầu hết các hộ dân đều sẵn sàng tham gia nhiệt tình cùng với chính quyền gia cố các đoạn đê bao, ngoài ra người dân còn hiến đất, cây ăn trái để chính quyền thực hiện các công trình gia cố đê bao, bờ vùng bằng phương tiện cơ giới.

Hôm có lực lượng địa phương đưa máy móc, xe cơ giới vào khu vực vườn mình để thực hiện công trình be đắp bờ bao, ông Trần Thiện Bé Năm (xã Hòa Ninh) rất vui vẻ, nhiệt tình ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Phước- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ cho biết thêm: Người dân có ý thức cao, đặc biệt 4 xã cù lao hàng năm vào mùa nước người dân chủ động be đắp để nước không tràn bờ, không ngập cục bộ góp phần vào công tác phòng chống thiên tai tại địa phương”.

4 xã cù lao của huyện Long Hồ có diện tích hơn 6.000ha đất trồng cây ăn trái, với những động thái quyết liệt của người dân và chính quyền các xã cù lao nói riêng nhân dân huyện Long Hồ đã giảm nhiều thiệt hại trong những đợt triều vừa qua.

Vùng rẫy Phước Hậu có thiệt hại cục bộ

Tại vùng chuyên canh rẫy màu ở ấp Phước Hanh (xã Phước Hậu), nhiều bà con bị thiệt hại nặng trong những đợt triều cường tháng 9 vừa qua. Theo một số bà con nông dân, thì năm trước lại không thiệt hại như năm nay, nguyên do nhiều người chủ quan nên không chuẩn bị máy móc kịp thời ứng phó để bơm hút nước tràn.

Riêng khu vực ấp Phước Hanh có khoảng trên 30ha bị ảnh hưởng; trong đó, khoảng 10ha lúa, còn lại hoa màu truyền thống như hẹ, rau sống các loại, cải ngọt, cải xanh,…

Ông Năm Kiêm cho biết hơn 5 công hẹ của mình bị ngập nặng, nên khó phục hồi. Diện tích hẹ này ông mới vừa thu hoạch đợt đầu, thời điểm giá được 12.000 đ/kg.

6,5 công đất của anh Việt chuyển qua nuôi cá trên ruộng.
6,5 công đất của anh Việt chuyển qua nuôi cá trên ruộng.

Anh Hồ Tấn Việt giải thích: “Mọi năm tôi chuẩn bị sẵn máy bơm, không ngờ năm nay nước lại tràn qua đường đi. Vợ chồng kéo máy, be bờ cả đêm nhưng không cứu được 3,5 công hẹ bị ngập 1 ngày đêm nên toàn bộ bị cháy lá. Mấy hôm nay xịt thuốc phục hồi nhưng cũng không còn được bao nhiêu”.

Theo anh Việt, nếu hẹ bà con vừa cắt mà bị ngập thì chắc chắn là thúi củ chết. Còn cắt được một thời gian thì cũng bị cháy đầu, phải rải phân, xịt thuốc mới có thể phục hồi được phần nào.

Trong cái rủi có cái may, năm nay gia đình anh Việt chỉ trồng có 3,5 công hẹ; sau thời gian “mệt mỏi” với rẫy màu, vợ chồng anh quyết định chuyển hướng nuôi cá trên ruộng với diện tích hơn 6 công, kết hợp với chăn nuôi khoảng 600 con gà và vịt.

Sau mười mấy năm trời tập trung rẫy màu, anh Hồ Tấn Việt chuyển hướng qua nuôi trồng tổng hợp, anh cho rằng cũng là giảm bớt rủi ro về giá cả và những rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Đây cũng là một trong những cách làm hay.

Ông Năm Kiêm nói không ngờ năm nay, rẫy hẹ mình lại bị thiệt hại nặng nề vậy, cũng là kinh nghiệm không bao giờ được chủ quan. Nhưng khổ cái, trong khi rẫy màu bị ảnh hưởng vậy mà giá rau màu cứ bình bình. Hẹ cũng có 11.000 đ/kg, các loại cải cũng tầm 13.000- 14.000 đ/kg.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG