​Lo ngại thực phẩm bẩn "tấn công" từ cổng trường học

Cập nhật, 08:02, Thứ Tư, 11/09/2019 (GMT+7)

 

Nhiều loại bánh kẹo hết “đát”, “made in China” hoặc hàng đã bị cấm ở một số nước vẫn được bày bán trước cổng trường.
Nhiều loại bánh kẹo hết “đát”, “made in China” hoặc hàng đã bị cấm ở một số nước vẫn được bày bán trước cổng trường.

Thực trạng thực phẩm đang bày bán tại các cổng trường, từ hàng quán cho đến hàng rong không có nhãn theo quy định khiến nhiều người lo ngại thực phẩm bẩn có thể “tấn công” học sinh dễ dàng hơn. Bởi các em còn nhỏ tuổi, chưa nhận thức đầy đủ các yêu cầu về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà chỉ cần đẹp, bắt mắt hoặc lạ mà rẻ tiền là mua, bất chấp là sản phẩm không nhãn mác, không phụ đề tiếng Việt Nam, không hạn sử dụng,...

Bánh kẹo “n không”

Theo BCĐ 389 tỉnh, vào dịp khai giảng năm học mới, các trường học trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung học sinh, do đó nhu cầu mua sắm quà bánh, thực phẩm, đồ chơi… sẽ tăng cao.

Các điểm buôn bán tự phát tại các trường học sẽ hoạt động nhộn nhịp, nhất là các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS, dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài ra, theo kiến nghị của cử tri huyện Vũng Liêm thì các ngành chức năng nên tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm buôn bán tại các trường học, vì hiện nay các sản phẩm bánh kẹo có dấu hiệu “dính” chất ma túy.

Do đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành kiểm tra, xử lý các điểm buôn bán tại các trường học năm 2019.

Cuối tháng 8/2019, theo chân đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh đến 1 điểm bán hàng trước cổng trường học ở Phường 1 (TP Vĩnh Long), phóng viên ghi nhận có nhiều mặt hàng bánh kẹo bán cho học sinh đã hết hạn sử dụng, không nhãn mác, không ghi nơi xuất xứ, nguồn gốc, thậm chí có sản phẩm đã bốc mùi khó chịu khi mở bao bì bên ngoài, kẹo chảy nước, bánh thì đóng bụi,…

Khi đoàn kiểm tra hỏi sao lại bán hàng như vậy, cô chủ “hồn nhiên” trả lời: “Thấy tụi nhỏ thích thì nhập về bán thôi, ngoài chợ người ta bán đầy có bị gì đâu. Người ta nói hàng Thái Lan, ngon thì tôi mua về bán lại thôi!”

Còn tại một điểm bán hàng khác trước cổng trường, nhiều sản phẩm “made in China” vẫn được bày bán. Đáng nói là trên các gói kẹo này không có bất cứ thông tin nào về công ty nhập khẩu, về chỉ tiêu chất lượng của kẹo bằng tiếng Việt Nam.

Để thu hút các em nhỏ, nhiều loại còn được lồng ghép vào các đồ chơi như trứng, súng, hoa, hay kẹo “nhái” hình son, kẹo dẻo hình động vật và đặc biệt còn có kẹo hình điếu thuốc lá (loại kẹo đã bị cấm ở nhiều nước trên thế giới),…

Kiểm tra tại một điểm bán nước uống cho học sinh, ngành chức năng cũng phát hiện trà sữa- loại thức uống ưa thích của giới trẻ hiện nay- được chế biến từ những nguyên liệu từ “chợ trời”. Những hạt trân châu chưa nấu chín không có bao bì, nhãn mác, khi tháo bao bì ra có mùi như thức ăn cho… cá!

Khi hỏi về nguồn gốc nguyên liệu, chủ quán lấp lửng, ậm ờ, không trả lời rồi lại tỉnh queo nói: “Đâu có biết bán vậy không được, mai mốt không nhập về bán nữa!”

Bà Hà Thị Cẩm Tú- chuyên viên Phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế), thành viên đoàn kiểm tra liên ngành- cho biết: Các lỗi vi phạm thường gặp là nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh; người trực tiếp chế biến thức ăn không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…

Nhiều sản phẩm bán cho trẻ em nhưng lại hết “đát”, không nguồn gốc, khi hỏi người bán lại trả lời không biết là rất không có trách nhiệm.

Cần siết chặt quản lý

Theo nhiều phụ huynh, hiện nay dù tại nhiều trường học đã có căng tin cung cấp hàng ăn đảm bảo chất lượng, có chứng nhận của cơ sở y tế; song tình trạng hàng quán vỉa hè, trước cổng trường vẫn không giảm. Chỉ cần 1.000- 5.000đ là học sinh có thể vô tư mua món mình thích mà không cần quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc. Vấn đề chất lượng thực phẩm khu vực ngoài cổng trường, khi chưa có sự kiểm soát chặt chẽ, chế tài xử phạt nghiêm khắc, đang thật sự đáng báo động và khiến nhiều người lo lắng.

Đang đợi rước con tan học, chị Phạm Thị Nhung (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho hay: “Nhiều khi thấy con nằng nặc đòi mua theo bạn cái này cái kia, tôi cũng chiều theo, mua đại dù rất lo. Có mấy ngàn đồng thì sao có chất lượng được, chỉ mong ngành chức năng kiểm tra để phụ huynh tụi tui an tâm hơn”.

Theo ngành chức năng, nhiều điểm bán hàng cho học sinh chưa chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Theo ngành chức năng, nhiều điểm bán hàng cho học sinh chưa chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Ông Bùi Văn Chọn- quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường), Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh- cho biết:

Ngoài các nội dung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; vệ sinh an toàn thực phẩm; hạn sử dụng, đoàn còn kiểm tra, kiểm soát các loại hàng hóa cấm kinh doanh như là đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, nguy hiểm, ảnh hưởng tới giáo dục nhân cách và sức khỏe, các loại bánh kẹo có xuất xứ nước ngoài, bánh kẹo nghi có chất ma túy.

Tất cả các vi phạm khi được phát hiện đều phải lập biên bản làm rõ nội dung vi phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

“Qua nhiều ngày kiểm tra, đoàn phát hiện đa số các cơ sở đều chưa chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đang bày bán, kinh doanh. Đồng thời, đoàn cũng đã tiến hành tiêu hủy tại chỗ các sản phẩm hết hạn sử dụng, nhắc nhở và cho các chủ điểm bán hàng cam kết không bán hàng không có nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng lậu,…”- ông Bùi Văn Chọn cho biết thêm.

Theo đánh giá của ngành chức năng, việc sử dụng thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, dù không bị bệnh tức thì nhưng nếu dùng thường xuyên thì sẽ tích lũy dần trong cơ thể và gây bệnh. Trong đó, không ít quán hàng rong, bán hàng trước công trường thường bán những loại đồ ăn, bánh kẹo, đồ chơi giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao.

Để giải quyết triệt để những quán hàng rong, hàng không rõ nguồn gốc tại cổng các trường học, cần sự quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các ngành chức năng.

Trong quá trình kiểm tra, cần kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức của người kinh doanh về đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục cho học sinh cách nhận biết các dấu hiệu thực phẩm không an toàn để từ đó các em có thể tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN