Thông báo dự kiến đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thị xã Bình Minh

Cập nhật, 14:28, Thứ Năm, 08/08/2019 (GMT+7)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan Thường trực của Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long) thông báo xin ý kiến của nhân dân cho việc dự kiến đặt tên đường 2 tháng 9, trường Trung học cơ sở Thành Phước, trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Đông Thành và đổi tên trường Tiểu học Võ Thị Sáu, trên địa bàn thị xã Bình Minh.

Ý kiến đóng góp gửi bằng văn bản đến Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, địa chỉ: Số 10, đường Hưng Đạo Vương, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, hoặc qua mail: nvqchien.svhttdl@vinhlong.gov.vn, điện thoại: 02703. 823718, trước ngày 10/8/2019.

KHÁI QUÁT DỰ KIẾN ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ BÌNH MINH

1. Đặt tên đường 2 tháng 9

- Điểm đầu: Giáp đường Nguyễn Văn Thảnh, điểm cuối: Giáp đường Huỳnh Văn Đạt.

- Hiện trạng: Chiều dài: 1.400m, rộng: 5,5m.

- Tên đường chưa có

- Dự kiến đặt tên: 2 tháng 9

- Tóm tắt tiểu sử: Ngày 2 tháng 9  năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2 tháng 9 đã trở thành ngày Quốc khánh của nhân dân Việt Nam, ghi nhận chiến công hiển hách của dân tộc đã đánh đổ ách thống trị thực dân và chế độ quân chủ, cổ vũ sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.

2. Đặt tên trường Trung học cơ sở Thành Phước

- Hiện trạng: Xây dựng mới

- Địa điểm: tại khóm 5, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh.

- Chưa có tên trường. Số lượng lớp học: 16 lớp (khối 6 có 8 lớp, khối 7 có 8 lớp, khối 8 có 8 lớp, khối 6 có 8 lớp)

- Dự kiến đặt tên: Trường Trung học cơ sở Thành Phước

- Tóm tắt tiểu sử: Thành Phước là tên phường. Phường được chia tách từ thị trấn Cái Vồn thành phường Cái Vồn và phường Thành Phước từ khi huyện Bình Minh lên thị xã Bình Minh, theo nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 28/12/2012 của Thủ tường Chính phủ.

3. Đặt tên trường Trung học cơ sở -Trung học phổ thông Đông Thành

- Hiện trạng: Xây dựng mới

- Địa điểm: tại ấp Đông Hưng, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh.

- Chưa có tên trường. Số lượng lớp học: 16 lớp (khối 9 có 4 lớp, khối 10 có 4 lớp, khối 11 có 4 lớp, khối 12 có 4 lớp)

- Dự kiến đặt tên: trường Trung học cơ sở -Trung học phổ thông Đông Thành

 -Tóm tắt tiểu sử: Đông Thành là tên của xã. Tên Đông Thành đã tồn tại từ khi mới thành lập, đến năm 1949 thì đổi tên là Mỹ Thành. Đến năm 1956 xã Mỹ thành tách thành hai xã: Đông Thành (tái lập lại tên cũ) và Mỹ Hòa. Năm 1957 huyện Bình Minh được thành lập, xã Đông Thành thuộc huyện Bình Minh. Từ năm 1976 đến 1991 xã Đông Thành thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Cửu Long. Năm 1992 đến nay xã Đông Thành thuộc huyện Bình Minh (nay là thị xã Bình Minh), tỉnh Vĩnh Long (Theo Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đông Thành anh hùng 1930-1995)

4. Đổi tên trường Tiểu học Đông Bình A

- Hiện trạng: Tên hiện tại là trường Tiểu học Đông Bình A

- Địa điểm: khóm Đông Thuận, phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh.

- Trường thành lập năm 1975. Số lượng lớp học: 16 lớp (khối 1 có 3 lớp, khối 12 có 3 lớp, khối 3 có 3 lớp, khối 4 có 4 lớp, khối 5 có 3 lớp). Số lượng giáo viên là 22, tổng số học sinh là 488

- Dự kiến đổi tên: trường Tiểu học Võ Thị Sáu

 -Tóm tắt tiểu sử: Võ Thị Sáu (1933 - 1952), là một nữ chiến sĩ được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Bà quê ở vùng Đất Đỏ, Long Điền, tỉnh Bà Rịa (nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Mới 14 tuổi, bà đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng trên chiến khu. Năm 1949, bà tham gia đội Công an xung phong Đất Đỏ làm liên lạc, tiếp tế. Năm 1950, bà bị chính quyền Pháp bắt; bị tòa án binh Pháp kết án tử hình vào tháng 4/1951, vì đã ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết cai tổng Tòng và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp. Sau gần ba năm tra tấn, giam cầm, nhà cầm quyền Pháp đưa bà ra giam ở Côn Đảo. Dù các luật sư biện hộ cho bà đã phản đối án tuyên này với lý do bà chưa đủ 18 tuổi. Trước khi bị đưa ra thi hành án, bà bị đày qua các nhà tù Chí Hòa, Bà Rịa và Côn Đảo. Vì nhà cầm quyền Pháp không dám công khai thi hành bản án đối với bà, họ đã lén lút đem bà đi thủ tiêu. Một giai thoại kể khi nhóm đao phủ bảo bà quỳ xuống, bà đã quát lại: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!”. Bà bị xử bắn ngày 23/01/1952, tại Côn Đảo, khi 19 tuổi.