Câu chuyện cuối tuần

Hạ tầng giao thông còn khó

Cập nhật, 08:56, Thứ Bảy, 13/07/2019 (GMT+7)

Cầu Vàm Cống nối đôi bờ sông Hậu đã được đưa vào sử dụng hồi tháng 5/2019. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với khu vực ĐBSCL, mà còn góp phần đấu nối vùng ĐBSCL với cả nước thông qua tuyến quốc lộ phía Tây của đất nước.

Cùng với cầu Cao Lãnh, cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên… có thể nói đã tạo sự kết nối, phá thế đò giang cách trở của khu vực miền Tây sông nước. Những cây cầu nối kết thông suốt các tỉnh- thành ĐBSCL với nhau, tạo ra thế lực mới cho khu vực được kỳ vọng đóng góp tích cực thúc đẩy kinh tế- xã hội của cả vùng.

Dù vậy, đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Bởi theo Bộ Giao thông- Vận tải, hệ thống đường bộ liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL chủ yếu thông qua tuyến cao tốc (TP Hồ Chí Minh- Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ, dài 132km), 5 tuyến QL (QL1, duyên hải ven biển phía Đông bao gồm QL50 và 60, QLN1, QLN2 và đường ven biển TP Hồ Chí Minh- Kiên Giang)…

Các cuộc họp mang tính cấp vùng ĐBSCL gần đây, cho thấy tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông là vấn đề được quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, 3 nút thắt lớn đó là thiếu vốn, thi công công trình chậm tiến độ và đầu tư không đồng bộ theo kiểu ngắt khúc. Chẳng hạn, mạng lưới giao thông đường bộ của ĐBSCL được hình thành với 6 tuyến trục dọc và 9 tuyến trục ngang nhưng còn nhiều dự án, các trục ngang kết nối nội vùng chưa hoàn chỉnh.

Tình trạng khá phổ biến là đường chờ cầu tải trọng yếu hay cầu phải chờ đường chưa thông tuyến, đường lớn chờ đường nhỏ kết nối mới phát huy tác dụng diễn ra phổ biến, giao thông thủy bị vướng tĩnh không cầu trên đường bộ. Giao thông đường bộ đang bị các điểm nghẽn cổ chai do các công trình đầu tư kết nối chậm tiến độ, tạo ra các nút thắt cổ chai ở các điểm huyết mạch.

Tại Vĩnh Long, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị tháo gỡ những nút thắt về giao thông trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn, trên QL53 ngoài các cầu yếu như cầu Ngã Tư, cầu Ông Me, từ đầu tuyến đến ngã ba Cái Nhum, mặt đường đang xuống cấp, gây mất an toàn giao thông.

Lãnh đạo UBND huyện Long Hồ, cho biết các tuyến QL đã tạo cho huyện nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, tình trạng giao thông xuống cấp, nhất là QL53, khiến huyện cứ loay hoay trong “cái khó”. Hạ tầng giao thông yếu kém nên rất khó thu hút nhà đầu tư, mà không thu hút được các nguồn lực thì lại thiếu ngân sách cho đầu tư phát triển!

Hạ tầng giao thông còn hạn chế, thiếu kết nối cũng là “nút thắt” trong thu hút đầu tư, phát triển của các địa phương.

TRẦN PHƯỚC