Kết nối phố

Đô thị hóa tăng kéo theo ô nhiễm không khí

Cập nhật, 14:17, Thứ Tư, 19/06/2019 (GMT+7)

Theo TS. Trần Văn Miều- Trưởng Ban Truyền thông Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chiếm đến 90% là thuộc về các hoạt động của con người và đô thị hóa tăng kéo theo ô nhiễm không khí.

Chúng ta có quá nhiều xe cộ lưu thông trong các đô thị lớn, nhiều phương tiện giao thông đã cũ kỹ khi hoạt động thải ra một lượng khí thải độc hại và gây ra tình trạng ô nhiễm bụi mịn.

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cũng phải nói đến các dòng di cư từ nông thôn vào thành phố. Điều này gây ra áp lực rất lớn lên đô thị. Ngoài ra, việc có quá nhiều khu công nhiệp, khu chế xuất được xây dựng ở các vùng ven đô thị cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.

Chúng ta biết rằng cây xanh có nhiệm vụ hút khí CO2, nhưng hiện tại tỷ lệ cây xanh chỉ đạt tỷ lệ 2m2/đầu người, so với các đô thị tiên tiến trên thế giới thì ta chỉ bằng 1/11 của họ.

Trước kia những vùng ven đô là những cánh đồng, ruộng rẫy, cây xanh… nhưng giờ đây đã biến thành những khu nhà cao tầng và nó chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm.

Nhà cao tầng đi đến đâu thì dân số tăng đến đó, rồi giao thông, xe máy, ô tô, thiết bị điện tử điều hòa, máy lạnh cũng tăng theo.

Rõ ràng tăng tỷ lệ đô thị hóa sẽ kéo theo sự gia tăng dân số và tăng dân số sẽ kéo theo những áp lực lên đô thị và một trong những áp lực đó là ô nhiễm không khí.

Để hạn chế ô nhiễm không khí, nhất là ở các đô thị, TS. Trần Văn Miều cho rằng một trong những việc cấp bách hiện nay là cần phải giãn bớt dân ra các khu đô thị xung quanh cũng như tăng tỷ lệ cây xanh ở các đô thị. Và trong giải bài toán ô nhiễm không khí, cần những giải pháp mang tính tổng thể mà cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng phải vào cuộc.

THÀNH LONG