Chuyện giao thông nông thôn quê mình

Cập nhật, 05:41, Thứ Năm, 07/02/2019 (GMT+7)

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí về thực hiện quy hoạch và phát triển giao thông nông thôn được đặt lên hàng đầu. Hơn 10 năm qua, từ phong trào xây dựng xã văn hóa đến xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn phát triển rộng khắp làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Hiện nay toàn tỉnh Vĩnh Long 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đường nhựa và đường đan liên ấp, xóm có hơn 2.200km, góp phần rất lớn cho việc giao thương, vận chuyển hàng nông sản, đáp ứng việc đi lại bằng đường bộ thông thoáng, thuận tiện, góp phần kéo nông thôn gần hơn với thành thị.

Đường không những thông thoáng mà còn phải đẹp. Hiện nhiều xã vận động nhân dân trồng hoa ven đường. Trong ảnh: Đường hoa do Hội Cựu chiến binh xã Thuận An đảm trách.
Đường không những thông thoáng mà còn phải đẹp. Hiện nhiều xã vận động nhân dân trồng hoa ven đường. Trong ảnh: Đường hoa do Hội Cựu chiến binh xã Thuận An đảm trách.

Chuyện chiếc “ghim”

Đầu năm 1994, xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) trên xứ cù lao Mây được tách thành 2 xã là Lục Sĩ Thành và Phú Thành. Thời ấy, ở xứ cù lao Mây quê tôi chưa có xe đạp, còn xe máy thì lại càng xa lạ hơn.

Khi vừa tách xã thì xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành cùng nhau phối hợp xóa cầu khỉ trên những tuyến đường liên xã và những tuyến đường chính liên ấp.

Mặc dù đường đất nhưng xe máy, xe đạp có thể đi lại vào mùa khô. Học sinh đến trường được an toàn trong cả mùa mưa lẫn mùa nắng.

Năm 1995, tôi vay mượn, sắm được chiếc xe máy cà tàng mà ở TX Vĩnh Long thời ấy người ta gọi là “xe nghĩa địa”, “xe cùi bắp”. Chiếc xe nghĩa địa được tôi sơn lại màu đỏ chói bắt mắt.

Tuy nhiên, tiếng máy xe nổ sục sạc, pô nổ đùng đùng, các bộ phận bên ngoài cũng kêu rân khi chạy trên đường. Ấy vậy mà khi về quê thì nhiều người lại trầm trồ.

Tết 1996, tôi về quê bằng chiếc xe cà tàng ấy. Khi về đến chợ vàm, tôi dừng lại mua chút đồ. Xe dừng lại là tự tắt máy, không cần tắt khóa, ở quê cũng yên lành lắm, nên cũng không cần lấy khóa xe ra.

Tôi đến tiệm tạp hóa thì có một em khoảng 7- 8 tuổi chạy lại leo lên xe và kêu mấy đứa bạn “Bây ơi, ghim ghim!” (ý bọn trẻ nói là chiếc Dream, vì thời đó xe Dream là số 1).

Rồi cả nhóm chạy đến xem, đứa nào cũng trầm trồ khen, sờ chỗ này bấm chỗ kia, rồi tìm được nút kèn bấm inh ỏi… Về đến nhà, dựng xe trước sân, hàng xóm đến chơi cũng trầm trồ nói “Thằng này làm ăn khá bây” mà đâu biết rằng ở TX Vĩnh Long là “bèo” lắm…

Rồi cả chục năm nay về quê, xe có thương hiệu- chiếc Super Dream- láng bóng nhưng chẳng ai để ý, tụi nhỏ còn cho là “bèo”.

Vì ở quê nông thôn ngày nay, xe máy, mô tô chạy đầy đường, gần như nhà nào cũng có. Có gia đình 4- 5 xe, có cả xe tay ga đắt tiền, đến cả ô tô, xe tải,…

Sáng sớm, 3- 4 ông già đến uống trà với ba tôi, ngồi kể chuyện “đời xưa” khi còn đi cầu khỉ, chèo xuồng ra chợ bán nông sản dãi nắng dầm sương với con nước xuôi nước ngược, rồi so sánh chuyện bây giờ…

Ông Tư Be nhấp ngụm trà, thở ra cái khà nói: “Ngày trước, trồng rẫy, trồng cây ăn trái, tới mùa phải vác xuống ghe, canh xuôi nước chèo xuống chợ nổi Trà Ôn bán.

Có khi không ngay nước xuôi, nước ngược cũng ráng chèo cho kịp buổi chợ khuya, cực muốn chết. Đám tiệc nhà bà con ở trong xã phải đi bộ mấy cây số, qua cầu khỉ lắc lư.

Ngày tết cũng vậy, chiều 30 đi mừng tuổi ông bà hàng xóm, bà con cũng đi bộ, tới tối đường vắng tối thui, phải đốt đuốc về. Bây giờ, hàng bông (ý nói rau cải) chỉ cần vô giỏ, xe máy chở ra đường lớn bỏ lên xe tải chạy một hơi tới chợ cân cho vựa.

Bưởi, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm,… chỉ cần hái vác ra đường, chủ vựa đem xe lôi, xe kéo đưa về vựa, mình chỉ lại cân rồi lấy tiền. Còn muốn đi đâu, kêu mấy đứa cháu xách xe chở cái vèo là tới nơi, khi nào về thì cũng kêu nó rước, khỏe re”.

 Đường trục ngang (lộ ngang) ấp Phú Thạnh- Phú Long- Phú Lợi (xã Phú Thành) đang được khẩn trương hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Đường trục ngang (lộ ngang) ấp Phú Thạnh- Phú Long- Phú Lợi (xã Phú Thành) đang được khẩn trương hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

Chị Nguyễn Thanh Tuyền (quê ở Xuân Hiệp) lấy chồng về Phú Thành, kể: “Lúc trước còn đi học phổ thông, nói ở Xuân Hiệp ai cũng nhắc tới Bưng Sẫm. Xứ tôi toàn là dừa nước.

Đi học ở trường huyện phải ở trọ, cuối tuần ra bến chợ canh có người cùng xã đi chợ để có giang về, đầu tuần cũng vậy. Không có thì đi đò nhưng chờ đúng giờ lâu lắm, mà từ nhà tới bến đò đi bộ đường bờ đê 1- 2 cây số là chuyện thường.

Ngày lấy chồng, đưa dâu bằng vỏ lãi cũng mất khoảng 4 tiếng. Còn bây giờ lấy xe máy vọt cái vèo về thăm ba má, khoảng chưa đầy 1 tiếng đã đến nơi, khỏe!”

Còn chị Nguyễn Thị Mai (52 tuổi, ở ấp Hưng Lợi, xã Tân Hưng- Bình Tân) phấn khởi cho biết: “Trước kia, muốn đi chợ phải bơi xuồng ra chợ Tân Lược mất mấy tiếng đồng hồ. Còn ra huyện Bình Minh vừa đi về mất gần cả ngày, vì phải ra Tân Quới đi đò xuống Bình Minh, cực lắm.

Bây giờ, đây ra trung tâm huyện Bình Tân đi xe máy chỉ khoảng 30 phút, đi TX Bình Minh cũng khoảng đó thôi, thuận tiện lắm. Vùng trồng khoai này trước kia chuyện vận chuyển khó khăn, bây giờ vựa có xe tải đi thu gom hết, nhẹ hơn trước nhiều”.

Xã có con đường đan đầu tiên

Xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) được công nhận xã nông thôn mới năm 2017. Đến Thiện Mỹ nhắc lại chuyện làm đường giao thông nông thôn, ai cũng cười, có chút tự hào xen lẫn chuyện cười… Xã Thiện Mỹ có đường đan đầu tiên của tỉnh, nhưng khi xây dựng nông thôn mới thì… không được sớm lắm.

Còn nhớ gần tết năm 1997, anh Nguyễn Minh Tâm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trà Ôn- khoe: “Xã Thiện Mỹ mình có đường đan rồi, đường đan đầu tiên trong tỉnh đó nhe!”

Nghe nói, tôi phấn khởi đến xã Thiện Mỹ. Anh Nguyễn Văn Lệ (Năm Lệ)- Chủ tịch UBND xã lúc đó- phấn khởi dẫn tôi đi trên con đường đan vừa hoàn thành, vừa kể quá trình làm đường.

Khởi đầu năm 1995, theo chủ trương của Nhà nước là vận động nhân dân hiến đất, góp tiền làm đường và thu của dân trên đầu công ruộng. Ai có đất nhiều góp nhiều, có ít góp ít, hộ không có đất canh tác thì không góp. Tổng số tiền thu được khoảng 250 triệu đồng.

Từ đó, UBND xã triển khai làm đường đan ấp Mỹ Phó- Đục Giông và Đục Giông- Cây Điệp với tổng chiều dài hơn 4.500m, ngang 60cm.

Buổi đầu làm giao thông nông thôn, ai cũng chỉ nghĩ làm đường đan để đi bộ an toàn sạch đẹp trong mùa mưa lẫn mùa nắng. Vậy mà cũng được tiếng là xã đầu tiên trong tỉnh có đường đan.

Con đường đan nay là đường nhựa phục vụ phát triển kinh tế nông thôn.
Con đường đan nay là đường nhựa phục vụ phát triển kinh tế nông thôn.

Bây giờ, anh Năm Lệ đã là nguyên Bí thư Đảng ủy xã. Tôi tìm đến nhà anh Năm Lệ kịp lúc anh vừa dắt xe máy ra chuẩn bị đi chăm sóc vườn cam. Song, anh cũng vui vẻ nán lại kể chuyện làm giao thông nông thôn.

Anh Năm Lệ kể: “Bước đầu, chủ trương của Đảng và Nhà nước là xóa cầu khỉ, rồi đến làm đường đan. Xã mình thuận tiện do 2 tuyến Mỹ Phó- Đục Giông, Đục Giông- Cây Điệp ít kinh rạch, ít cầu nên làm trước. Khi hoàn thành thì ai cũng tự hào xã mình có đường đan đầu tiên.

Rồi khi có chủ trương mới làm đường giao thông nông thôn cho xe 2 bánh thông suốt, tức đường đan có bề ngang từ 1m trở lên. Rồi mấy năm sau nữa tiếp tục vận động bà con làm đường 1m mà chỉ được 1.500m.

Đến phong trào xây dựng nông thôn mới, mình có đà sẵn, tiếp tục vận động bà con hiến đất làm đường nhựa theo tiêu chí nông thôn mới, bà con cũng đồng lòng.

Vậy mà khi xây dựng nông thôn mới lại trễ hơn nhiều địa phương khác. Hiện nay đường liên ấp toàn xã đã được nhựa hóa, xe tải đến tận vườn thu gom nông sản, thuận tiện. Bà con phấn khởi lắm…!”

Ngày nay, tỉnh Vĩnh Long không còn người dùng thuật ngữ “vùng sâu, vùng xa”, vì đường giao thông đã thuận tiện, từ xã đến tỉnh liền mạch, thông suốt và dần hoàn thiện. Đường nông thôn ngày nay không chỉ thông thoáng mà còn trở nên sáng- xanh- sạch- đẹp.

Theo tiêu chí của Bộ Giao thông- Vận tải, đến năm 2020, tỷ lệ kilomet đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông- Vận tải đối với tất cả các vùng phải đạt 100%.

Tỷ lệ kilomet đường trục thôn, xóm được “cứng hóa” đạt chuẩn tối thiểu là 50% đối với trung du, miền núi phía Bắc và ĐBSCL, còn lại các vùng khác phải đạt từ 70- 100%. Tỷ lệ kilomet đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa phải đạt 100%. 

Bài, ảnh: HÙNG HẬU