Thành Đông- xã điển hình trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Cập nhật, 13:29, Thứ Tư, 09/01/2019 (GMT+7)

Thành Đông là xã thứ 2 của tỉnh và là xã đầu tiên của huyện Bình Tân về đích nông thôn mới (NTM). Đến nay, xã luôn giữ vững thành tích là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM. 

Đây cũng là địa phương điển hình trong công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nhiều năm liền đạt hiệu quả kinh tế cao của tỉnh nói chung và của huyện nói riêng.

Đời sống ngày càng khấm khá

Những ngày này, trở về xã Thành Đông dọc theo tuyến đường từ Khu Hành chính huyện đến trung tâm UBND xã, chúng tôi nghe xôn xao mùa xuân đang về với cảnh vật như bừng thêm sức sống bởi những căn nhà được chỉnh trang khang trang, đẹp mắt.

Ven lộ được điểm tô bởi màu tím mộng mơ của hoa chiều tím. Dưới rẫy, khoai cũng đang trổ hoa tím cả cánh đồng.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Thành Đông Nguyễn Thị Ngọc Bích, toàn xã có 750ha đất nông nghiệp, chiếm 83,5% diện tích đất tự nhiên.

Với cây màu chủ lực là khoai lang, không chỉ giúp người dân xứ rẫy vươn lên khấm khá mà còn kéo theo dịch vụ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập khá như: vun vồng (500.000 đ/ngày), trồng khoai (300.000 đ/muôn), lựa khoai (150.000 đ/ngày).

Vườn mít Thái da xanh của ông Lùng thu hút nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi.
Vườn mít Thái da xanh của ông Lùng thu hút nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi.

Sau khi công nhận xã đạt chuẩn NTM, từ năm 2014 đến nay, xã tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình từ cải tạo vườn kém hiệu quả, đất lúa- màu chuyển sang trồng cây ăn trái và phát triển mô hình chăn nuôi bò, dê, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ.

Đến tham quan mô hình nuôi dê của ông Trần Văn Hùm (ấp Thành Tiến) nhân lúc ông cho xuất chuồng 4 con dê thịt. Với giá bán 96.000 đ/kg, ông bỏ túi được gần 12 triệu đồng.

Mỗi cây mít, ông Lùng chỉ chừa 2- 3 trái/đợt.
Mỗi cây mít, ông Lùng chỉ chừa 2- 3 trái/đợt.

Theo ông Hùm, nuôi dê chỉ bỏ công làm lời, thức ăn chủ yếu là tận dụng phế phẩm dây khoai lang có sẵn tại địa phương và bổ sung thêm thức ăn từ bã đậu nành ở vùng lân cận (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh).

Lúc sơ khởi, ông chỉ nuôi thử nghiệm 4 con dê cái, nhờ làm ăn có hiệu quả mà đàn dê đã tăng lên 170 con. Mỗi năm xuất chuồng khoảng 100 con dê, giá bán khoảng 3 triệu đồng/con, thu về khoảng 300 triệu đồng/năm.

Chúng tôi đến thăm vườn mít Thái da xanh rộng 11 công của ông Lê Văn Lùng (ấp Thành Hậu). Tiếp chúng tôi với nụ cười thật tươi, ông Lùng cho biết: “Mô hình này không tốn nhiều công chăm sóc, lại có nguồn thu cao và có thời gian đi làm từ thiện”.

Hiện, ông Lùng đang trồng hơn 3.000 gốc mít. Từ lúc trồng đến lúc cây ra trái khoảng 9 tháng và sau 3 tháng để trái là có thể thu hoạch.

Bình quân mỗi trái nặng hơn 20kg, giá bán 41.000 đ/kg, có thời điểm lên đến 70.000 đ/kg. Thương lái đến tận vườn cắt 1 tuần/lần, lúc rộ thì cứ 4- 5 ngày/lần.

Mỗi lần cắt khoảng 1,5 tấn, mùa rộ thì 2,5 tấn. Bình quân, ông Lùng bỏ túi khoảng 60 triệu đồng/tuần và thu về bạc tỷ mỗi năm.

Theo ông Lùng, ngoài chi phí đầu tư cây giống ban đầu, còn lại tiền phân thuốc rất ít. Với mỗi công vườn (trên 300 gốc mít/công) chỉ cần vô 2 bao phân, còn lại là dùng long phiến để trị ruồi vàng và sử dụng thuốc sâu sinh học để đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng trái mít.

Nông thôn nhiều đổi mới

Theo Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Thị Ngọc Bích, hiện một số hộ tiếp tục cải tạo vườn tạp và nhân rộng diện tích trồng mít Thái da xanh.

Trong năm, xã đã cải tạo 5,7ha vườn kém hiệu quả, đạt 128,3% kế hoạch, nâng tổng diện tích vườn cây ăn trái khoảng 88,7ha.

Theo ông Hùm (bìa trái), nếu nuôi dê khéo thì sau 8 tháng có thể xuất bán.
Theo ông Hùm (bìa trái), nếu nuôi dê khéo thì sau 8 tháng có thể xuất bán.

Thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,15 triệu đồng/người/năm, tăng 4,15 triệu đồng/người/năm so thời điểm công nhận. Toàn xã chỉ còn 31 hộ nghèo (trừ hộ nghèo được bảo trợ), chiếm tỷ lệ 1,92%, giảm 3,17%.

Bên cạnh, xã còn nâng chất nhiều tiêu chí NTM với mức đạt rất cao. Cụ thể, 100% đường liên ấp đều được lót đan, đảm bảo đi lại suốt 2 mùa mưa nắng.

Về thủy lợi, diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 99,5%, đáp ứng nhu cầu dân sinh và theo quy định phòng chống thiên tai. Tỷ lệ nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia đạt 85,87%, tăng 21,67%; tỷ lệ thu gom rác đạt 61,35%, tăng 17,65%.

Bên cạnh, xã còn thành lập mới 2 mô hình điểm văn hóa cụm ấp thông qua việc tận dụng những nơi có mặt bằng rộng để tập hợp người dân đến sinh hoạt.

Cùng với việc vận động trồng hơn 2km tuyến đường hoa, xã còn xây dựng mô hình mẫu bể chứa bằng xi măng có nắp đậy để chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (đã qua sử dụng), đồng thời kết hợp mô hình đèn chiếu sáng tại khu dân cư 6/6 ấp.

“Đạt được kết quả như trên là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, là sự kết hợp nhiều nhân tố nội và ngoại lực.

Đặc biệt là tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân trong đóng góp ngày công lao động giúp xã nâng chất các tiêu chí NTM”- Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Thị Ngọc Bích nhận định.

Tuy nhiên, công tác nâng chất 19 tiêu chí NTM cũng đòi hỏi phải có vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Song, trong năm qua xã vẫn chưa huy động được nguồn vốn từ doanh nghiệp và các tổ chức khác. Giá cả các mặt hàng nông sản luôn dao động cũng làm ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập.

Xã Thành Đông hiện có 6/6 ấp đạt văn hóa 5 năm liền, trong đó có 2/6 ấp văn hóa kiểu mẫu, xã giữ vững danh hiệu xã NTM. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xã chọn 3 cây chủ lực là cây ăn trái các loại, cây khoai lang và hoa màu trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Kết quả, đã chuyển đổi tốt giống cây trồng, vật nuôi, tăng cường luân canh, rải giống, rải vụ; phát triển được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập 300- 500 triệu đồng/ha.

Thời gian tới, xã tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khoanh vùng sản xuất nhằm hạn chế tình trạng sản xuất ồ ạt 1 loại cây trồng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học- kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, thay thế lao động chân tay, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI