Cần xác định nguồn lực về chính sách đãi ngộ bác sĩ

Cập nhật, 05:18, Thứ Năm, 10/01/2019 (GMT+7)

Thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội, để chuẩn bị trình tại kỳ họp HĐND sắp tới, vừa qua, UBND tỉnh đề nghị UBMTTQ tỉnh nghiên cứu, cho ý kiến phản biện xã hội về dự thảo chính sách đãi ngộ bác sĩ và dự thảo chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Các bệnh viện từ tỉnh đến huyện đều gặp khó khăn về việc thiếu bác sĩ.
Các bệnh viện từ tỉnh đến huyện đều gặp khó khăn về việc thiếu bác sĩ.

Về chính sách đãi ngộ bác sĩ

Trước thực trạng nguồn nhân lực ngành y tế tỉnh gặp nhiều khó khăn, chính sách “Đãi ngộ cho bác sĩ đang công tác trong ngành y tế tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2019- 2021” do Sở Y tế soạn thảo nhằm kịp thời động viên, khuyến khích và ổn định đội ngũ bác sĩ đang công tác đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời gian tới.

Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách đãi ngộ ngoài lương và phụ cấp này là các bác sĩ đang công tác thuộc biên chế hưởng lương ngân sách nhà nước.

Ông Đoàn Văn Hùng- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh- cho biết: Thiếu bác sĩ chuyên khoa là một khó khăn lớn cho ngành y tế của tỉnh, gây trở ngại cho công tác điều trị bệnh.

Việc thu hút bác sĩ về tỉnh cũng chưa đạt được hiệu quả, vì thế cần có một chế độ đãi ngộ ổn thỏa trong một khoảng thời gian là rất cần thiết cho các bác sĩ khối điều trị chuyên khoa.

Ông Nguyễn Văn Sao- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật (UBMTTQ tỉnh)- cũng đồng tình cao với mục tiêu của dự án chính sách này vì nó hướng đến việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, cần phải đảm bảo đúng Luật Ngân sách nhà nước, phải tính toán thật kỹ để đảm bảo tính khả thi của chính sách cũng như phải xác định rõ nguồn ngân sách của tỉnh có đáp ứng được hay không.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ- thành viên Ban Văn hóa xã hội (HĐND tỉnh)- cũng đồng tình với việc phải xác định kỹ nguồn lực địa phương có đáp ứng được không và có khả năng thực thi tốt không.

Mặt khác, chính sách này chỉ thực hiện đãi ngộ với lực lượng bác sĩ thì có gây ảnh hưởng đến các đối tượng khác cũng đang thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân?

Bà Nguyễn Thị Thu Hiệp- nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh- cho rằng, phải chia lực lượng ra để hỗ trợ không chỉ bác sĩ mà còn phải quan tâm đến các lực lượng khác đang công tác trong ngành y tế để tránh gây mất đoàn kết trong ngành, nhất là phải ưu tiên cho các bác sĩ ở vùng sâu vùng xa, các trạm y tế xã.

Ngoài ra, cũng nên có định mức cơ động, có thể thực hiện theo hệ số lương, không nên quy định mức hỗ trợ cụ thể như trong dự thảo.

Về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch

Sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các hộ làm du lịch homestay.
Sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các hộ làm du lịch homestay.

Đối với chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch, tỉnh sẽ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động du lịch, có đăng ký kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và quy hoạch ngành du lịch.

Chính sách này được áp dụng hỗ trợ đối với các dự án đầu tư triển khai thực hiện từ ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2025.

Ông Nguyễn Văn Thanh- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng cần cân nhắc kỹ đối tượng kêu gọi đầu tư và lãnh đạo tỉnh cũng cần trực tiếp tham gia kêu gọi đầu tư. Phải nghiên cứu kỹ xây dựng khu du lịch trọng điểm của tỉnh.

Bà Phạm Cẩm Bình- đại diện Cơ sở du lịch miệt vườn ở Bình Hòa Phước- thống nhất cao với những ưu đãi hỗ trợ cho các dự án đầu tư du lịch như trong dự thảo. Bên cạnh cũng cần phải xây dựng được sản phẩm đặc trưng của tỉnh và mở các lớp tập huấn về công tác lễ tân xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp trong ngành.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh- đề nghị, nên tập trung khai thác các giá trị văn hóa lịch sử của tỉnh kết hợp với du lịch, xây dựng được mô hình du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn và các làng nghề để bán được sản phẩm.

Ngoài ra, phải tổ chức các hội thảo khoa học để xác định sản phẩm đặc trưng của tỉnh, phát huy thế mạnh du lịch sông nước miệt vườn, chế biến các sản phẩm trái cây của địa phương.

Ông Nguyễn Minh Dũng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh- cho rằng, muốn thu hút đầu tư thì phải có chiến lược phát triển du lịch cụ thể, phải quan tâm các điều khoản ban hành chính sách có phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư hay không và mức chi hỗ trợ đầu tư phải phù hợp với thực tiễn.

Ông Nguyễn Thanh An- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh- nhận định, thế mạnh của tỉnh vẫn là du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp với truyền thống văn hóa lịch sử, ưu tiên trọng điểm là phát triển các homestay.

Với vai trò phản biện xã hội, ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long- và các thành viên Hội đồng phản biện thống nhất với mục tiêu của các chính sách là tạo điều kiện tốt hơn để khuyến khích đội ngũ bác sĩ thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và cho ngành du lịch tỉnh nhà phát triển.

Đặc biệt, các đại biểu thống nhất với việc hỗ trợ cho 2 nhóm đối tượng là cơ sở lưu trú và cơ sở hạ tầng phục vụ vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm, phục vụ khách du lịch.

Các ý kiến phản biện của các thành viên đều được ghi nhận góp phần thực hiện hoàn chỉnh các chính sách để đưa vào cuộc sống hiệu quả.

Bài, ảnh: HẢI YẾN