Thủy lợi cho phát triển nông nghiệp

Chú trọng chất lượng và năng lực phục vụ

Cập nhật, 06:06, Thứ Ba, 18/09/2018 (GMT+7)

Vừa qua, đoàn công tác của Ban Kinh tế- Ngân sách (thuộc HĐND tỉnh) đã đến khảo sát, giám sát việc triển khai xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp trong toàn tỉnh.

Bên cạnh khảo sát, giám sát quá trình thực hiện các dự án, đoàn công tác đã ghi nhận những khó khăn cũng lưu ý các địa phương chú trọng việc đảm bảo chất lượng công trình cũng như năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thi công cống hở Cái Tôm, đê bao sông Cổ Chiên (xã Quới An- Vũng Liêm).
Thi công cống hở Cái Tôm, đê bao sông Cổ Chiên (xã Quới An- Vũng Liêm).

Theo ông Bùi Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, toàn huyện có 7 dự án phục vụ phát triển nông nghiệp được triển khai, trong đó có 1 dự án hoàn thành.

Tuy nhiên, một số công trình do phải chỉnh sửa thiết kế cho sát tình hình thực tế và khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên tiến độ còn chậm.

Theo UBND huyện Tam Bình, các dự án thủy lợi của huyện đa số là dự án lớn, thời gian đầu tư dài nên từ lúc triển khai lấy ý kiến người dân đến khi được phê duyệt, cùng với việc chờ bố trí nguồn vốn nên một số công trình có sự thay đổi về hiện trạng, phải điều chỉnh, sửa chữa thiết kế nhiều lần, từ đó gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện.

Việc hỗ trợ bồi hoàn theo chủ trương “dự án ảnh hưởng thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó” nên một số công trình giao mặt bằng cho nhà thầu thi công còn chậm.

Việc kết hợp trong khâu áp giá bồi hoàn các dự án chưa rút ngắn thời gian do người dân không đồng tình, yêu cầu bồi thường cao hơn giá trị phê duyệt.

Trong khi đó, việc đầu tư dự án thủy lợi, đê bao trong cùng 1 xã nhưng có 2 nguồn vốn khác nhau, trong đó có công trình có bồi thường đất, hoa màu, nhà cửa, vật kiến trúc và có công trình phải vận động hiến đất, hoa màu do đó gặp nhiều khó khăn trong khâu vận động người dân đồng tình hưởng ứng.

Ông Nguyễn Văn Trạng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn- cho biết: Toàn huyện có tổng số 11 danh mục công trình, năng lực phục vụ 19.241ha với tổng kinh phí trên 158 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2017 huyện triển khai thi công 6 công trình và đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, năng lực phục vụ 14.141ha.

Trong năm nay, huyện triển khai thi công 5 công trình còn lại với năng lực phục vụ 5.100ha. Hiện có 4 công trình có khối lượng thi công đạt từ 60% trở lên và 1 công trình mới khởi công trong tháng 7.

Các công trình nâng cấp đê bao thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên chỉ bồi hoàn vật kiến trúc và nhà ở, vận động nhân dân không bồi hoàn về đất, cây trồng, hoa màu nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng tiến độ thi công.

Còn tại TX Bình Minh, trong tổng số 10 công trình thì đến nay chỉ hoàn thành 2 công trình, 5 đang thi công và 3 chuẩn bị thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Dân- Phó Chủ tịch UBND TX Bình Minh, khó khăn hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng vì còn một số hộ dân chưa đồng ý hiến đất thực hiện công trình, do đó phải cắt bỏ một số đoạn.

Nguyên nhân do yêu cầu thay đổi thiết kế, biện pháp thi công, giá hỗ trợ vật kiến trúc, yêu cầu hỗ trợ đất, cây trồng,... nên tiến độ thi công một số công trình chưa đảm bảo.

Còn theo ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, công tác phối hợp triển khai thực hiện một số dự án thủy lợi của huyện chưa tốt còn có nguyên nhân do đơn vị thi công chậm trễ trong khâu đưa phương tiện vào thi công công trình trong khi đã có sẵn mặt bằng sạch.

Thực tế quá trình triển khai dự án, các địa phương còn gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa chủ đầu tư, địa phương và ban giám sát đầu tư cộng đồng, khó khăn trong việc vận động người dân giải phóng mặt bằng. Bên cạnh, năng lực của đơn vị thi công còn hạn chế nên một số dự án chậm tiến độ.

Qua khảo sát, giám sát việc triển khai xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp tại các địa phương mới đây, ông Nguyễn Thành Nghiệp- Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách- lưu ý các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp công bố, khảo sát thiết kế, giám sát kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, quá trình thực hiện dự án cũng như nghiệm thu công trình.

Qua đó, nhằm đảm bảo chất lượng công trình nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như phát huy tối đa hiệu quả của các công trình thủy lợi được đầu tư trên địa bàn.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, toàn tỉnh hiện có 51 danh mục các công trình, dự án thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp đã và đang triển khai trong năm 2017, 2018 do sở làm chủ đầu tư.

Trong đó có 6 dự án hoàn thành, 5 dự án dừng thi công, 3 dự án chưa triển khai thi công và đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế- dự toán, 2 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp. Các dự án còn lại đang được triển khai thi công với tiến độ cao nhất đạt 98% và thấp nhất là 10% khối lượng công trình.

Bài, ảnh: THÀNH LONG