HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện BHXH, BHYT

Để nắm và phải nắm căn bản về chính sách

Cập nhật, 15:16, Thứ Tư, 15/08/2018 (GMT+7)

Thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh về chương trình hoạt động giám sát năm 2018, Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh Vĩnh Long đã giám sát gần 10 đơn vị là công ty, doanh nghiệp, UBND một số huyện- thị- thành và ngành BHXH tỉnh về thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giai đoạn từ đầu năm 2016 đến hết quý II năm nay.

Đây là đơn vị thực hiện rất tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN và là đơn vị đầu tiên bàn giao 100% sổ BHXH cho người lao động quản lý, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho người lao động.
Đây là đơn vị thực hiện rất tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN và là đơn vị đầu tiên bàn giao 100% sổ BHXH cho người lao động quản lý, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho người lao động.

Nhiều vấn đề đặt ra trong thực hiện chính sách đã được thảo luận, kiến nghị, có: nợ đọng bảo hiểm, đơn vị chủ sử dụng lao động không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động... đến đề xuất thực hiện luật, công tác tuyên truyền để thực thi hiệu quả các chính sách.

Nợ đóng và còn chưa tham gia BHXH

Đoàn giám sát ghi nhận các công ty có tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; tuy nhiên một số đơn vị còn nợ đóng hoặc chưa tham gia.

Tại một đơn vị sự nghiệp chuyên về quy hoạch xây dựng, tổng số 17 lao động đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Theo báo cáo, số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN hơn 750 triệu đồng; trong đó đã đóng 525 triệu đồng, chưa đóng hơn 227 triệu đồng.

Tương tự, giám sát tại Công ty TNHH Giày Trường An (TP Vĩnh Long), theo báo cáo số lao động đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 15 người. Tới tháng 3/2018, đơn vị mới đóng 50 triệu trong số 367 triệu đồng, còn nợ 317 triệu đồng.

Với Công ty TNHH Giày Trà Giang (TP Vĩnh Long), số lao động của đơn vị là 59 người và số này đều phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, đơn vị báo cáo mới chỉ có 1 lao động tham gia, 58 lao động còn lại thì chưa. Đơn vị mới thanh toán gần 100 triệu đồng trong số gần 500 triệu đồng tiền nợ bảo hiểm.

Đáng chú ý, tại thời điểm đoàn giám sát làm việc, đại diện công ty này cho biết do mới chuyển giao từ chủ cũ sang chủ mới nên hoạt động còn nhiều khó khăn.

Đơn vị thừa nhận với đoàn là “không đúng cái gì hết” và “không biết làm sao” khi chưa tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động về BHXH, BHYT, BHTN. Thậm chí theo ngành chức năng TP Vĩnh Long, đơn vị chưa ký hợp đồng lao động đầy đủ với người lao động, chưa thành lập tổ chức công đoàn, dù nhiều lần được yêu cầu.

Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trên địa bàn tính đến thời điểm giám sát: từ 1- 3 tháng tổng số hơn 2 tỷ đồng; nợ từ 3 tháng trở lên hơn 3,8 tỷ đồng; nợ của các doanh nghiệp phá sản, giải thể hơn 3,5 tỷ đồng.

Theo thống kê, TP Vĩnh Long hiện có 406 công ty, doanh nghiệp; trong đó có 339 đơn vị tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Số lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong các đơn vị là hơn 3.400 lao động. Tỷ lệ tham gia BHXH so lực lượng lao động 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 28,9%; BHTN chỉ đạt 26,6%. Tỷ lệ tham gia BHYT đến hiện tại đạt 81%.

Trong các doanh nghiệp được quản lý, BHXH TP Vĩnh Long cho biết chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, loại hình thương mại dịch vụ, có quy mô gia đình nên sử dụng lao động rất ít. Theo ông Nguyễn Văn Kiên- Giám đốc BHXH TP Vĩnh Long, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ có 8 lao động tham gia BHYT; trong đó có 50% doanh nghiệp từ 1- 4 lao động.

Tập trung mạnh vào tuyên truyền

UBND TP Vĩnh Long cho biết, tuyên truyền là yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả rất lớn trong thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc trong chính sách liên quan, từ đó có kiến nghị đề xuất cùng tháo gỡ.

Tuy nhiên, trong thực hiện chính sách vẫn còn một số hạn chế: nợ BHXH, BHYT, BHTN trong doanh nghiệp vẫn còn diễn ra; nhiều doanh nghiệp chỉ tham gia cho người lao động văn phòng và luôn né tránh không tham gia hết số lao động...

Theo ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, mấu chốt vấn đề ở chỗ người lao động và công ty, doanh nghiệp. Họ né tránh kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm... và ảnh hưởng đầu tiên là chính người lao động.

Đại diện đơn vị về lao động và tiền lương thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tham gia đoàn giám sát cho rằng: Hầu hết đơn vị nợ BHXH, BHYT là ở các công ty may gia công giày, quần áo.

Khó khăn của một số công ty này nêu: công nhân lao động chủ yếu là thời vụ, số lao động không ổn định, công nhân thực sự gắn bó với công ty không nhiều, công nhân nghỉ việc không lý do thường xuyên... đến tái đầu tư, nhân sự.

Là thành viên đoàn giám sát, khi nêu ý kiến với đơn vị may gia công thừa nhận “không đúng cái gì hết” và “không biết làm sao”, bà Lê Ngọc Thúy- Phó Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long, thành viên Ban Văn hóa- Xã hội nói đơn vị sử dụng lao động như vậy cần tìm hiểu kỹ và thực hiện theo đúng Luật Lao động, các Luật BHXH sửa đổi bổ sung 2014, Luật BHYT sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT 2014 và pháp luật có liên quan.

Theo bà: “Tìm hiểu kỹ và thực hiện đúng theo luật để được pháp luật bảo vệ và điều đó luôn lợi cho người lao động, cho công ty”.

Thống nhất cao đề nghị này, ông Trần Văn Ý- Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh- lưu ý thực hiện BHXH, BHYT là góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Triển khai tốt các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và các chính sách pháp luật liên quan sẽ giúp kết nối mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động, hỗ trợ ổn định và phát triển của đơn vị.

Theo ông Trần Văn Ý, vận động tuyên truyền (đa dạng phương pháp, hình thức, nội dung) từ cơ quan quản lý nhà nước đến công ty, doanh nghiệp, rồi tới tận người lao động là một trong giải pháp quan trọng nhất để thực thi tốt các chính sách nói trên.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN