Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc

Thi đua là nền tảng vững chắc của sự phát triển

Cập nhật, 05:16, Thứ Ba, 10/07/2018 (GMT+7)

Cách đây 70 năm, giữa thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi đã trở thành lời hiệu triệu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đến nay, lời kêu gọi ấy vẫn còn nguyên giá trị lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc.

Vĩnh Long sẽ tiếp tục hướng thi đua vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ảnh: VINH HIỂN
Vĩnh Long sẽ tiếp tục hướng thi đua vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ảnh: VINH HIỂN

Tại sao phải ra lời kêu gọi thi đua ái quốc?

Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tình hình đất nước đang rất khó khăn và rất cần phải kêu gọi, động viên toàn thể dân tộc phát huy mọi khả năng, cống hiến to lớn cho cách mạng.

Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, BCH Trung ương Đảng đã ra chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc.

Để triển khai chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

Theo đó, Người cho rằng “Mục đích thi đua ái quốc là diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm”.

Người cũng chỉ rằng “Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”. “Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”.

Ngay sau khi lời kêu gọi ra đời đã tạo một động lực động viên cả dân tộc phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, “kháng chiến và kiến quốc”, qua đó đã lập nên những chiến công hiển hách và những thành tích to lớn cho cách mạng.

Ngày nay, đất nước ta đang thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì vậy phong trào thi đua yêu nước cũng phải tiến hành một cách toàn diện để tạo nên sức mạnh to lớn, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh, 70 năm qua, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ.

Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta, càng khẳng định thi đua là động lực tinh thần và qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân một cách mãnh liệt.

Và đến nay, phong trào thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hướng thi đua vào những trọng tâm

Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long phát động thi đua trên tất cả các lĩnh vực và nhận được sự hưởng ứng tích cực các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân.

Trong rất nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu có ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV.

Ông đã tổ chức, điều hành sản xuất kinh doanh gạo đạt hiệu quả cao, có nhiều sáng kiến cải tiến tiết kiệm năng lượng, như: cải tiến và ứng dụng công nghệ chế biến gạo giúp nâng cao tỷ lệ thành phẩm gạo thu hồi từ 64- 65% lên 69- 70%;

ứng dụng máy hút mối, mọt đặc biệt là trứng mọt thay công nghệ hun trùng bằng hóa chất nên sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn thực phẩm và tăng thời gian bảo quản 9-12 tháng, mang lại lợi ích 30 tỷ đồng/năm, góp phần nâng cao tính cạnh tranh gạo Vĩnh Long ở thị trường trong nước.

Ngoài ra, công ty còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, hàng năm hỗ trợ an sinh xã hội 400- 500 triệu đồng. Nhiều năm liền ông Nguyễn Văn Thành được công nhận là doanh nhân tiêu biểu, năm 2018 được UBND tỉnh bình chọn, giới thiệu về Trung ương vinh danh tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

Trong giai đoạn 2016- 2018, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đã triển khai thực hiện tốt các mô hình, điển hình tiên tiến về công tác an sinh xã hội của tỉnh thông qua các dự án do đài làm chủ đầu tư hoặc trực tiếp tài trợ và các dự án do đài nộp ngân sách tỉnh thực hiện.

Trong giai đoạn 2016- 2018, tổng giá trị thực hiện công tác an sinh xã hội của đài trên 984 tỷ đồng ở nhiều lĩnh vực: giáo dục, y tế, nhà ở, xây cầu giao thông nông thôn,…

Qua 2 năm, Hội Chữ thập đỏ TP Vĩnh Long đã vận động nhiều nguồn lực để thực hiện công tác an sinh xã hội, nổi bật là mô hình “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.

Qua đó, thực hiện được 450 địa chỉ để trợ cấp thường xuyên về vốn, dụng cụ học tập, điều trị bệnh… Để thực hiện tốt cuộc vận động, hội đã xây dựng mối quan hệ với 62 tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố đóng góp cho các hoạt động nhân đạo xã hội.

Ngoài thực hiện có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội.Ảnh: THẢO LY
Ngoài thực hiện có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội.Ảnh: THẢO LY

Trong giai đoạn 2016- 2018, hội đã vận động trên 70,3 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội.

Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 11/6 hàng năm là ngày truyền thống thi đua yêu nước. Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện, triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng các cấp, các ngành và nhân dân đối với việc hưởng ứng phong trào này.

Tổng kết phong trào thi đua giai đoạn 2016- 2018, Vĩnh Long còn rất nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội; 

nhiều mô hình, giải pháp hay được nhân rộng kịp thời, qua đó đã tạo sự lan tỏa trong các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, đóng góp to lớn trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội.

Có thể khẳng định rằng, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự sâu sắc, vẹn nguyên những giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay.

Ông Nguyễn Phi Hùng- Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng tỉnh- cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc trong nội bộ Đảng và quần chúng nhân dân về các phong trào thi đua.

Theo đó, tiếp tục thể chế hóa các phong trào thi đua yêu nước thành nhiệm vụ thiết thực của cơ quan, đơn vị, trong đó lấy các phong trào mang tính chất chiến lược làm khâu đột phá như: phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau; doanh nghiệp hội nhập và phát triển.

Tiếp tục vận động mỗi tập thể, cá nhân xây dựng cho mình một chương trình hành động cụ thể để đăng ký thi đua bám sát vào nhiệm vụ chính trị được giao.

Đồng thời, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc và nhân rộng các điển hình đó ra cộng đồng để tạo sự lan tỏa kịp thời.

Tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thi đua, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, thật sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua với phương châm “Nói ít làm nhiều, làm hiệu quả, chất lượng”.

Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, sẽ phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề đảm bảo “tiết kiệm- thiết thực- hiệu quả” như lời Bác dạy: “Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”.

THANH TÂM