Công nghiệp an ninh cần đặt trong mối quan hệ với xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng

Cập nhật, 16:08, Thứ Năm, 14/06/2018 (GMT+7)

 

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), đại biểu Phạm Tất Thắng- đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có một số đề xuất.

Mặc dù Luật Công an nhân dân mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 nhưng cần sớm sửa đổi nhằm thực hiện Nghị quyết số 18 của Hội nghị BCH Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó xác định không tổ chức cấp tổng cục, sáp nhập cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào công an tỉnh, không tiếp tục thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, xây dựng công an xã, thị trấn chính quy...

Đóng góp vào các vấn đề cụ thể trong dự thảo luật, tôi thống nhất với quy định xây dựng lực lượng công an xã chính quy, hiện đại. Bởi vì quy định này đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của việc đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự tại một khu vực địa bàn trọng điểm là một nước nông nghiệp.

Hiện, khu vực nông thôn nước ta còn chiếm tỷ trọng lớn với hơn 89% diện tích, 70% dân số sinh sống, địa bàn trải rộng đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội cần đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội và địa bàn quan trọng này hiện nay do lực lượng công an xã đảm nhiệm.  

Theo địa vị pháp lý của công an xã hiện nay chưa được quy định thống nhất, vừa trực thuộc hệ thống, tổ chức của công an nhân dân nhưng lại là lực lượng vũ trang bán chuyên trách.

Với việc xác định tính chất như vậy nên lực lượng công an xã thiếu về số lượng không được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kịp thời, không được trang bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ đầy đủ. Việc giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng công an xã còn nhiều bất cập.

Tuy vậy, đây là một chủ trương lớn liên quan đến một số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ công an, sắp xếp tổ chức bộ máy và không chỉ là con người.

Cho nên đề nghị Ban soạn thảo bổ sung những nguyên tắc, lộ trình cơ bản để thực hiện chủ trương này, trong đó chú ý tới việc đầu tư xây dựng lực lượng công an xã chính quy nhiều mặt như về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ chính sách... để làm căn cứ giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Về công nghiệp an ninh được quy định tại Điều 35 của dự thảo luật, theo tôi biết, hàng năm nhà nước đã đầu tư nguồn kinh phí lớn để ngành công an sắm phương tiện, trang bị, thiết bị nghiệp vụ chuyên dùng, vũ khí, công cụ hỗ trợ chủ yếu được nhập khẩu phục vụ cho ngành công an và trung bình mỗi năm chi phí này từ 120- 150 triệu USD.

 Tôi đề nghị có quy định cụ thể về công nghiệp an ninh trong dự thảo luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công nghiệp an ninh phát triển bền vững, đủ sức đáp ứng yêu cầu huấn luyện chiến đấu của lực lượng công an nhân dân, đồng thời tiết kiệm được ngân sách nhà nước phải chi hàng năm để nhập khẩu vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng công an nhân dân.

Tuy vậy, tôi cũng tán thành với quan điểm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh tại báo cáo thẩm tra dự thảo này.

Theo quy định của Hiến pháp thì công nghiệp quốc phòng, an ninh là thống nhất, không tách riêng công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh.

Vì vậy, quy định về công nghiệp an ninh cần đặt trong mối quan hệ với xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, phù hợp với định hướng xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh là một bộ phận của công nghiệp quốc gia theo hướng lưỡng dụng.

Trong điều kiện ngân sách còn có khó khăn như hiện nay thì cần xác định công nghiệp quốc phòng, an ninh là một lĩnh vực công nghiệp thống nhất, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp an ninh nhằm tập trung nguồn lực đầu tư, tránh đầu tư phân tán, dàn trải, chồng chéo, lãng phí trong hoạt động đầu tư sản xuất, đảm bảo hiệu quả đầu tư”

TÂM HUỲNH (ghi)