Câu chuyện cuối tuần

Lẽ nào "vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng"...

Cập nhật, 07:09, Thứ Bảy, 12/05/2018 (GMT+7)

Bài thơ Chúc tết của Tú Xương có đoạn “Phen này ông quyết đi buôn lọng/ Vừa bán vừa la cũng đắt hàng” và thêm một dị bản “vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng”. Tóm lại, là bán kiểu nào cũng… đắt. Bởi đang lúc nhu cầu thị trường cao, còn nguồn cung thì thiếu. Nên người bán có thể “sỉ vả” người mua mà vẫn yên tâm là bán đắt. Vậy đó!

Xem ra, bài thơ trào phúng sau hàng vài chục năm vẫn còn đúng với “thị trường giáo dục và đào tạo” hôm nay, khi mà người dạy có quyền chửi mắng, sỉ nhục người học, kiểu như cô giáo dạy ngoại ngữ nào đó, rằng “đây là sân chơi của tao, tao thích làm gì thì làm”. May mà “sân chơi” này đã buộc phải dừng hoạt động và người dạy cũng không còn được “nói tiếng Anh” nữa.

Đáng tiếc, đây không phải là trường hợp duy nhất mà còn có những thầy cô ở nơi này, nơi khác mắng chửi học trò với rất nhiều từ ngữ thô tục, chợ búa… Một số chuyên gia tâm lý đã lý giải theo hướng… gỡ rối cho người dạy, là “phải chăng ngày nay áp lực nhiều quá, người ta mang theo mối lo tài chính, mối lo tình cảm, người ta mang theo ấm ức đến tận lớp học. Giáo viên hành động theo bản năng và đánh chửi học sinh”.

Nhưng dẫu gì thì gì, trường lớp dù là bậc mầm non, mẫu giáo hay CĐ, ĐH thì thầy vẫn là thầy và trò vẫn là trò. Nghĩa là người thầy vẫn là người dạy từ “văn” đến “lễ” cho học trò. Qua đó, thầy còn giáo dục cho trò về cảm xúc thẩm mỹ, về cái đẹp. Và một người, khi được giáo dục thẩm mỹ tốt cũng sẽ biết yêu, biết ghét, biết trân trọng và biết phân biệt điều gì là đẹp, cái gì không đẹp. Từ đó, luôn hướng tới chân thiện mỹ, hạn chế cái xấu, cái ác, biết đâu là điều nên làm và đâu là việc nên tránh. Cũng vì vậy, không bị lôi cuốn, đồng hóa hoặc bị dẫn dắt đến với cái xấu, cái ác.

Trên thực tế, hiện nay, nhà trường đã có giáo dục thẩm mỹ, thông qua các môn Văn, Tiếng Việt hay Âm nhạc, Mỹ thuật,… nhưng người thầy vẫn luôn có vị trí đặc biệt đẹp trong lòng học trò và cả trong cộng đồng, xã hội. Cho nên, xin đừng vì “thị trường hóa” mà làm xấu đi hình ảnh của người thầy- vốn đã là mẫu mực trong lòng lớp lớp học trò.

PHƯƠNG NAM