Thông tin cha của người con dị dạng ở Vĩnh Long từng tham gia kháng chiến là không chính xác

Cập nhật, 15:27, Thứ Hai, 12/03/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin truyền thông có đăng tải thông tin về trường hợp ông Lê Hữu Hiền (Ba Lép, 42 tuổi, ngụ số 76 Lê Thị Hồng Gấm, Phường 2, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) hàng ngày đi bán vé số kiếm tiền nuôi cha già yếu.

Ông Lê Hữu Hiền (Ba Lép).
Ông Lê Hữu Hiền (Ba Lép).

Đáng lưu ý là, trong bài báo này có thông tin ông Lê Văn Vui (74 tuổi) là cha ông Lép- trước kia có tham gia kháng chiến. Bản thân Ba Lép lúc mới sinh ra có khuôn mặt dị dạng khác thường.

Năm 20 tuổi, Ba Lép quyết định đi làm để phụ cha bằng nghề bán vé số cho đến nay. Ba Lép cho rằng: “Mỗi ngày tôi lấy 100- 200 tờ vé số bán để có tiền mua thuốc chữa bệnh và chăm sóc ba tôi. Ba tôi già rồi, thường xuyên đau ốm không biết lấy gì để lo”.

Sau khi đọc thông tin này, các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long đã cho rà soát và cung cấp một số thông tin làm rõ thêm trên phương tiện thông tin truyền thông.

Ngày 2/3/2018, UBND Phường 2 đã có buổi làm việc với gia đình ông Lê Văn Vui (sinh năm 1944).

Tại buổi làm việc này, ông Lê Văn Vui cho biết, năm 1969 ông có tham gia lính địa phương quân thuộc Tiểu khu Vĩnh Long, đến năm 1971 chuyển qua cảnh sát áo trắng.

Đến ngày hòa bình (30/4/1975), ông đi tập trung cải tạo 135 ngày và sau đó trở về địa phương cho đến nay.

Qua xác minh hoàn cảnh gia đình ông Lê Văn Vui, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP Vĩnh Long khẳng định những thông tin tại buổi làm việc giữa UBND Phường 2 và ông Vui là đúng.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội- cho biết sau khi xác minh: Gia đình ông Lê Hữu Hiền có 3 nhân khẩu.

Ông sống chung với cha là ông Lê Văn Vui và mẹ kế. Bản thân ông Hiền bị khuyết tật vận động, nghe, nói, nhìn, trí tuệ và hàng ngày ông đi bán vé số.

Ông Lê Hữu Hiền đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội khuyết tật mức độ nặng từ tháng 8/2013 đến nay (mức trợ cấp hàng tháng là 405.000đ). Về quá trình tham gia của ông Vui, năm 1969 ông đi lính thuộc Tiểu khu Vĩnh Long, đến năm 1971 chuyển qua cảnh sát áo trắng (cảnh sát ngụy quyền).

Sau giải phóng, ông đi cải tạo tập trung 135 ngày, sau đó về địa phương (Phường 2) sinh sống đến nay. Như vậy, thông tin ông Lê Văn Vui- cha ông Lê Hữu Hiền (Ba Lép)- đã 80 tuổi và từng tham gia kháng chiến là không đúng.

MAI ANH