Tam Bình- điểm sáng mùa Xuân 68

Cập nhật, 07:51, Thứ Tư, 13/12/2017 (GMT+7)

Huyện Tam Bình là 1 trong 2 địa phương tiêu biểu của tỉnh, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, đã chiếm và giữ chính quyền 6 ngày đêm.

Thành quả ấy là cả một quá trình đóng góp của nhân dân Tam Bình từ vật chất đến tinh thần. Có thể nói, thành tựu lớn nhất của chiến dịch là đã khơi được sức mạnh của lòng dân “tất cả cho tiền tuyến, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Bộ mặt huyện Tam Bình ngày nay nhiều thay đổi, giao thông thuận lợi, thành thị nối liền với nông thôn.
Bộ mặt huyện Tam Bình ngày nay nhiều thay đổi, giao thông thuận lợi, thành thị nối liền với nông thôn.

“Tất cả cho tiền tuyến”

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhân dân Tam Bình đã có 970 người tham gia hoạt động biểu tình đấu tranh chính trị, dân công hỏa tuyến, hậu cần tại chỗ, nuôi chứa cán bộ. Về sức của: có 1.068 hộ đóng góp hơn 33.600 giạ lúa gạo; 660.800đ (tiền Sài Gòn); 97,7 chỉ vàng; 882 con trâu, bò, heo; 456 chiếc ghe, xuồng với 216 cái máy và nhiều vật dụng khác như: thuốc tây, ván ngựa, xăng dầu, thuốc nổ, đạn dược, quan tài, vải vóc, bánh tét,… Nói như đồng chí Lê Tiến Dũng- Bí thư Huyện ủy Tam Bình- thì: “Nhân dân trong huyện đã không ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của. Nhờ đó, Đảng bộ huyện Tam Bình đã giữ chính quyền suốt 6 ngày đêm, cắt đứt QL1 (QL4 trước đây) nhiều ngày, chặn đường viện binh của giặc”.

Về Tam Bình, chúng tôi càng hiểu tình quân dân như cá với nước, hiểu về niềm tin của nhân dân vào cách mạng, sẵn sàng góp tất cả khi cách mạng cần. Riêng xã Mỹ Lộc đã có 35 người tham gia dân công hỏa tuyến, hậu cần tại chỗ 23 người; có 221 hộ gia đình đóng góp hơn 5.000 giạ lúa, gần 11 triệu đồng tiền mặt, 64 chiếc ghe, 53 cái máy, 3 chỉ vàng, 7 con bò, 7 con heo, 9 con trâu, 18 chiếc xuồng cho cách mạng.

Bà Lê Thị Xinh (bí danh Tư Hô) những năm 1967- 1968 là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Lộc vẫn còn nhớ về cuộc vận động cho chiến dịch: người có lúa cho lúa, người có ghe xuồng cho ghe xuồng,… Bà nhấn mạnh: “Đặc biệt ở xã này là Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tuyết góp mấy trăm giạ lúa; bà Lưu Thị Thạnh- mẹ liệt sĩ- đã lột đôi bông cưới là tài sản duy nhất của gia đình cho cách mạng”. Bà nói thêm: “Tui còn nhớ bà Thạnh nói rằng: “Dì Tư ơi, thằng con duy nhất tui còn cho theo cách mạng thì sá gì đôi bông này mà không nỡ cho”.

Tam Bình còn có tuyến đường thủy quốc gia đi qua.
Tam Bình còn có tuyến đường thủy quốc gia đi qua.

Vững lòng tin ngày độc lập

Ông Lưu Văn Hợt (Bảy Hợt, 83 tuổi) đã từng kinh qua nhiều chức vụ và gắn với vùng đất Cái Ngang anh hùng từ thời “cha sanh mẹ đẻ”. Ông không nhớ rõ mình đã làm gì cho cách mạng, chỉ biết: “Đảng phân công nhiệm vụ thì làm. Nhà nghèo rớt mồng tơi, có duy nhất chiếc tam bản, tui cũng hiến cho cách mạng”.

Rồi ông Bảy “dẫn” chúng tôi về 50 năm trước đây, khi mà nông dân ở vùng đất trù phú này không thể trồng trọt gì trên mảnh đất của mình, vì “mỗi ngày mỗi chạy giặc”. “Mỗi khi lính bố thì ai lỡ đi làm đồng coi như chết oan, vì gặp là nó bắn”- ông Bảy thở dài. Rồi ông chỉ tay về hướng Bia tưởng niệm của Công an tỉnh ở ấp Danh Tấm (xã Hậu Lộc) nói: “Mỗi ngày, cỡ 3 giờ chiều là tụi nó quần máy bay khu vực đó”.

Mùa khô năm 1967- 1968, ông làm công tác mặt trận xã. Ông nhớ lại: “Lúc đó, bà con mình hăng hái theo cách mạng lắm, có người đăng ký tham gia còn nói đêm nay tòng quân, mai ra chiến trường có chết cũng cam tâm”. Ông Bảy uống ngụm trà, khuôn mặt sạm đen vì một thời “mưa bom, bão đạn”: “Vì bà con tin Đảng, tin bộ đội. Bộ đội hiền, bộ đội giúp dân… Và sau bao năm bị áp bức thì mong muốn tha thiết của mọi người là được hòa bình”.

Cùng ở vùng đất Cái Ngang anh hùng, gia đình ông Tống Chí Công (ấp Phú Tân, xã Phú Lộc) tiêu biểu vì không chỉ góp công mà còn góp của cho cách mạng. Ông Chí Công cho biết: “Nhà tôi có cha và 5 anh chị tham gia cách mạng, trong đó 3 người hy sinh”. Và ngay trên sân nhà ông, gần tết năm 1968, bà con xúm xít mỗi ngày gói 100 đòn bánh tét cho bộ đội. “Nhà tôi có trảng xê hình chữ L, vách đôi nuôi chứa cán bộ, năm Mậu Thân cũng đã hiến hơn 100 giạ lúa nuôi quân”- ông nói.

Tất cả cùng một niềm tin chiến thắng, đêm giao thừa Tết Mậu Thân, bà con nhấp nhổm không ngủ “dòm” về hướng TX Vĩnh Long với một niềm tin mãnh liệt. Chiến thắng Mậu Thân là chiến thắng về chính trị, thể hiện sự thống nhất cao giữa ý Đảng và lòng dân, khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, trong đó có nhân dân huyện Tam Bình

 

Bà Nguyễn Thị Xinh (Tư Hô): Khi chúng tôi hỏi về cách vận động bà con bởi vì lúc đó hầu như ai cũng khó khăn, bà Tư cười giản dị: “Bởi vì nhân dân thương bộ đội như con, tin sự lãnh đạo của Đảng là con đường đi đến độc lập, tự do, hạnh phúc, nên khi tui đi vận động thì họ có gì góp nấy cho cách mạng, chớ có bí quyết gì đâu”.

 

 


 

Ông Lưu Văn Hợt cười móm mém: “Tụi tui tin Đảng, tin Bác Hồ tin một ngày thành thị gần với nông thôn... Và bây giờ, 1 công lúa bằng 10 công ngày trước, không còn ai đói cơm, học hành thì đến nơi, đến chốn”.

 

 

  • Bài, ảnh: CAO HUYỀN