Quốc hội thảo luận

Đề nghị đầu tư các công trình trọng điểm để giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL

Cập nhật, 06:10, Thứ Năm, 02/11/2017 (GMT+7)

Ngày 1/11/2017, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, phương hướng năm 2018.

Tại phiên thảo luận, đại biểu đề nghị bổ sung nhóm hàng quả, rau, hoa xuất khẩu vào nhóm 12 sản phẩm chủ lực.

Bởi lẽ, tốc độ tăng trưởng mặt hàng quả, rau, hoa 5 năm qua tăng bình quân 30%/năm và dự báo đến năm 2020, giá trị xuất khẩu có thể đạt đến 10 tỷ USD, tức là hơn cả giá trị xuất khẩu dầu thô lúc cao nhất.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, chưa có bao giờ tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục phức tạp như trong thời gian qua, do đó cần triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó.

Trong phiên thảo luận, đại biểu cũng hoan nghênh Chính phủ đã tổ chức hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp đã nêu trong kết luận hội nghị; tập trung giải ngân vốn thực hiện các công trình ngăn mặn, điều tiết lũ; đầu tư các công trình trọng điểm để giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL;

có chính sách đồng bộ, giải pháp đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; phát triển hợp tác xã nông nghiệp mạnh; xây dựng các chuỗi giá trị nông sản...

Song song đó, đề nghị Chính phủ rà soát, giao chức năng cụ thể cho bộ ngành, tránh tình trạng một mặt hàng nhiều bộ quản lý; đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai theo hướng bỏ hạn điền; xem xét giảm diện tích đất trồng lúa, chuyển sang nuôi trồng thủy sản, phát triển cây ăn.

Đề nghị cần có gói giải pháp đồng bộ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp bởi đây là lợi thế quốc gia.

TÂM- THI