Phỏng vấn

Vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, PCTT: Phạt đến 100 triệu đồng

Cập nhật, 11:55, Thứ Ba, 14/11/2017 (GMT+7)

 

Ông Lưu Nhuận.
Ông Lưu Nhuận.

Từ ngày 1/11/2017, Nghị định 104/2017/NĐ- CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều có hiệu lực thi hành và thay thế cho Nghị định 139/2013/NĐ- CP, ngày 22/10/2013 của Chính phủ.

- Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh Vĩnh Long- cho biết:

Mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTT, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về PCTT là 50 triệu đồng và mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều là 100 triệu đồng.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, Nghị định 104 cũng quy định đối với những hành vi như lấn chiếm bãi sông, lòng sông làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục, khai thác trái phép cát, sỏi, khoáng sản làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục sẽ bị phạt tiền từ 15- 25 triệu đồng.

Ngoài các hình thức xử phạt trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép, khắc phục tình trạng ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính,...

* Những hành vi vi phạm về cứu hộ, cứu nạn trong PCTT sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

- Nghị định 104 cũng quy định rõ những hành vi vi phạm hành chính về cứu hộ, cứu nạn trong PCTT sẽ bị phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện mà không thực hiện.

Trước đây, hành vi này chỉ bị phạt từ 3- 5 triệu. Đối với hành vi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ sẽ bị phạt tiền từ 20- 40 triệu đồng.

* Đối với việc vi phạm trong khắc phục hậu quả thiên tai thì Nghị định 104 có những chế tài xử lý như thế nào thưa ông?

- Về mức phạt đối với vi phạm quy định trong khắc phục hậu quả thiên tai, phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng đối với hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng; thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời.

Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra; buộc nộp lại số tiền, hàng hóa hoặc số tiền bằng giá trị hàng hóa đối với hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng.

* Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong dân cũng như nâng cao năng lực cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?

- Sắp tới đây, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh sẽ triển khai Nghị định 104 đến các Ban chỉ huy PCTT- TKCN các sở- ban- ngành của tỉnh, các huyện- thị- thành thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh truyền hình, đài truyền thanh, Internet, phát tờ rơi và hệ thống loa được trang bị đến tận xóm, ấp).

Các cấp chính quyền, ngành chức năng thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền về thiên tai, tác hại của thiên tai và các biện pháp phòng, chống đến tận hộ dân.

Năm 2014- 2017, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh liên tục tổ chức các lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” tại 8 huyện- thị- thành và một số xã với hàng trăm người tham dự. Đây là lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở cấp huyện và xã sẽ thực hiện tuyên truyền về thiên tai, giải pháp phòng, chống đến tận người dân, cộng đồng dân cư.

Năm 2018, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn này nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong PCTT.

Song song đó, việc nâng cao năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn cũng được quan tâm thường xuyên. Phương tiện, trang thiết bị từng bước được đầu tư, trang bị cho lực lượng tìm kiến cứu nạn, cứu hộ. Nguồn lực, tổ chức, bộ máy cho công tác PCTT- TKCN cũng từng bước được kiện toàn để đáp ứng nhu cầu ứng phó với thiên tai, cứu hộ cứu nạn trong tình hình mới.

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh đều có tổ chức diễn tập PCTT- TKCN ở 2 cấp huyện và xã. Mỗi cấp, mỗi sở- ban- ngành đều có kế hoạch PCTT- KCN riêng, có phương án cụ thể ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.

Mọi người dân phải nhận thức rõ về thiên tai và tác hại của thiên tai, thể hiện trách nhiệm cùng chính quyền trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Việc làm thiết thực hiện nay là tích cực chằng chống lại nhà yếu để đề phòng giông, lốc; di dời, sơ tán nhà cửa, tài sản ra khỏi vùng đang và có nguy cơ sạt lở; góp công, kinh phí cùng chính quyền giải phóng mặt bằng thực hiện công trình thủy lợi, tôn cao bờ bao để ứng phó với lũ, triều cường.

* Xin cảm ơn ông!

LÊ SƠN (thực hiện)