Nghiên cứu khoa học để phát triển kinh tế- xã hội

Cập nhật, 13:19, Thứ Năm, 02/11/2017 (GMT+7)

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã thu hút được nhiều đơn vị, cá nhân tham gia. Hội thi không chỉ là nơi để những người đam mê khoa học nghiên cứu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mà ngày càng đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương…

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Ở cấp quốc gia, hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc đã được tổ chức từ năm 1989, đặc biệt là từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc chỉ đạo tổ chức hội thi trên toàn quốc.

Riêng ở Vĩnh Long, UBND tỉnh đã cho chủ trương tổ chức hội thi sáng tạo mang tên cố GS.VS Trần Đại Nghĩa từ năm 2005, đến nay đã trải qua 6 kỳ hội thi.

Tác giả Nguyễn Thanh Sang đang giới thiệu phần mềm quản lý công tác lưu giữ nhiệm vụ khoa học và công nghệ (giải pháp đạt giải nhì).
Tác giả Nguyễn Thanh Sang đang giới thiệu phần mềm quản lý công tác lưu giữ nhiệm vụ khoa học và công nghệ (giải pháp đạt giải nhì).

Theo ông Hà Văn Sơn- Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Vĩnh Long, hội thi đã được các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân quan tâm.

Từ đó, phong trào lao động sáng tạo phát triển tốt, thu hút được nhiều đối tượng tham gia. “Hội thi đã tạo ra nguồn lực khoa học công nghệ mới để phục vụ sản xuất và đời sống các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Các sản phẩm tham gia và đạt giải đã có tính ứng dụng thực tiễn, có tính sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội…”- ông cho biết.

Ông Hà Văn Sơn cũng cho rằng, qua các hội thi đã thấy rõ tiềm năng sáng tạo rất phong phú, đa dạng của quần chúng nhân dân.

Và nếu tiềm năng này được khơi dậy, phát huy cao độ thì sẽ là nguồn lực trí tuệ vô giá cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức và cách mạng kỹ thuật 4.0 của đất nước.

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BTC hội thi- cho biết: Hội thi đã tạo ra phong trào thi đua lao động sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, các tổ chức kinh tế.

Các giải pháp đã thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo của các tác giả vì sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Qua đó, ông mong muốn các tác giả đã đạt giải tiếp tục sáng tạo, cải tiến, hoàn thiện sản phẩm, mở rộng mô hình, ứng dụng vào sản xuất, tạo ra sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, thiết thực phục vụ sản xuất, đời sống, góp phần nâng cao dân trí…

Phát huy hiệu quả nghiên cứu khoa học

Hệ thống mới tại Công ty TNHH SX- TM Phước Thành IV giúp sản xuất hiệu quả hơn, tạo lợi nhuận cao cho doanh nghiệp (giải pháp giành giải nhất).
Hệ thống mới tại Công ty TNHH SX- TM Phước Thành IV giúp sản xuất hiệu quả hơn, tạo lợi nhuận cao cho doanh nghiệp (giải pháp giành giải nhất).

Hội thi lần thứ 6 (2016- 2017) đã thu hút được 62 giải pháp, trong đó có 54 giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn đề ra với 6 lĩnh vực gồm: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; y dược; GD- ĐT.

Qua đó, đã trao 1 giải nhất, 4 giải nhì, 10 giải ba và 20 giải khuyến khích.

Nhóm tác giả Nguyễn Văn Thành, Đặng Văn Hồng, Trần Minh Nghiệp của Công ty TNHH SX- TM Phước Thành IV đã xuất sắc dành giải nhất với giải pháp “Cải tiến, ứng dụng công nghệ chế biến gạo 72 giờ nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch và sản xuất sạch hơn”.

Theo nhóm tác giả, giải pháp 72 giờ so với 36 giờ như công nghệ cũ đã khắc phục được nhiều nhược điểm.

Đáp ứng yêu cầu là giảm tổn thất sau thu hoạch (tỷ lệ thành phẩm đạt 69- 70% so với 61- 65% của quy trình cũ); sản xuất sạch hơn (tỷ lệ gạo đồng nhất đạt trên 98% và không có lẫn hạt màu, không sử dụng hóa chất bảo quản).

Về hiệu quả kinh tế, giải pháp đã làm tăng doanh thu năm 2016 cho công ty 24,24% so với năm 2015. Quy trình chế biến đã làm tăng lợi nhuận 300 đ/kg, với sản lượng hàng năm là 100.000 tấn, lợi nhuận mang lại là 30 tỷ đồng.

Trong khi đó, tác giả Trần Thanh Thy (ĐH Cửu Long) đã có giải pháp “Ứng dụng quy trình sản xuất quả thể nấm thảo dược Cordyceps Militaris trên nguồn cơ chất tổng hợp quy mô công nghiệp có giá trị thương mại cao”.

Đây là giải pháp đạt giải nhì vì có tính ứng dụng cao và cho hiệu quả kinh tế khả quan. Theo tác giả Trần Thanh Thy, giải pháp có tính ứng dụng cao trong sản xuất quy mô công nghiệp hoặc bán công nghiệp (hộ gia đình) hiệu quả kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, phải xem sự sáng tạo khoa học công nghệ là nguồn lực quyết định cho sự phát triển kinh tế- xã hội.

Do đó, các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức khoa học và công nghệ cần đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện trong phong trào nghiên cứu, lao động sáng tạo về khoa học kỹ thuật.

Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo kỹ thuật của toàn dân, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

Hội thi lần 6 có nhiều giải pháp hay, ứng dụng cao và đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội ở địa phương như: Phần mềm quản lý công tác lưu giữ nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Ứng dụng phương pháp Ponseti điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Tận dụng nguyên vật liệu mở để tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ở Trường Mầm non Tuổi xanh 1; Hệ thống thư viện điện tử cho các trường THCS;…

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN

TIN LIÊN QUAN