ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI PHẠM TẤT THẮNG

Giáo dục, đào tạo phải gắn với nhu cầu của nền kinh tế

Cập nhật, 16:06, Thứ Năm, 02/11/2017 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017, phương hướng năm 2018, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến đóng góp về vấn đề con người.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, cử tri cả nước hết sức phấn khởi trước kết quả lần đầu tiên sau nhiều năm cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế- xã hội đều đạt và vượt so với chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra.

Trong đó, có 2 chỉ tiêu về nhân lực và dù chúng ta đạt cả 2 chỉ tiêu này nhưng có lẽ cần đánh giá kỹ hơn về chất. Cụ thể, chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị thấp hơn 4%.

Tuy nhiên, trong số 1,12 triệu lao động thất nghiệp thì thanh niên trong độ tuổi từ 15- 24 chiếm hơn 1/2 là 51,3%, khoảng gần 57,5 vạn người, trong đó có tới hơn 1/3 là có trình độ từ cao đẳng trở lên, khoảng 20 vạn, trong đó có không ít sinh viên tốt nghiệp các trường, khoa sư phạm.

Báo chí đã đưa tin có sinh viên tốt nghiệp thủ khoa sư phạm về sản xuất nông nghiệp.

Khi so sánh 3 con số này, số người thất nghiệp, số thanh niên thất nghiệp và số lao động có trình độ cao thất nghiệp thì thấy thanh niên thất nghiệp nhiều có thể phản ánh một thực tế là nền kinh tế có thể không tạo ra thêm nhiều việc làm mới hoặc tạo ra những thanh niên chưa có tay nghề, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Nếu xem xét con số lao động có trình độ cao thất nghiệp thì có thể rút ra được một nhận định hoặc là nền kinh tế của chúng ta vẫn đang phát triển theo hướng gia công chế biến là chủ yếu, cần nhiều lao động phổ thông, ít cần tới lao động có trình độ cao.

Con số này cũng có thể rút ra một nhận xét là việc đào tạo của chúng ta chưa thật gắn với nhu cầu của nền kinh tế và cũng có yếu tố ngay cả trong số cử nhân này, kỹ năng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Với chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế ước đạt năm 2017 là 56%, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là trong khoảng từ 55%- 57%.

Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ đạt mức chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 22,5%.

Tuy vậy, nhìn vào chỉ tiêu này có lẽ cũng cần suy nghĩ nếu tính tròn thì cứ 2 lao động tham gia nền kinh tế mới có một người được đào tạo, 2 lao động được đào tạo thì mới có gần 1 người được đào tạo tạm coi là bài bản từ 3 tháng trở lên, có chứng chỉ, tức là cứ 4 người tham gia thị trường lao động thì mới có gần 1 người được đào tạo từ 3 tháng trở lên.

Như vậy, nếu xem xét cả hai chỉ tiêu này, có thể rút ra một nhận xét nền kinh tế của chúng ta vẫn chưa phát triển bền vững, chưa có nhiều ngành sản xuất dựa vào công nghệ đem lại nhiều giá trị gia tăng, vẫn chủ yếu dựa vào nguồn lao động phổ thông giá rẻ mà hiện nay đã không còn lợi thế.

Việc đào tạo của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, chưa thực sự gắn với nhu cầu của nền kinh tế và tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp, chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm.

Mặt khác, bên cạnh những thành tựu của kinh tế chúng ta cũng không thể băn khoăn khi vẫn còn xảy ra nhiều vụ trọng án, tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông.

Đáng chú ý có một số vụ tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên tụ tập gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, thậm chí có vụ tội phạm xông vào bệnh viện truy sát nạn nhân, hành hung y, bác sĩ.

Còn những hành vi đó phải chăng do những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức, lối sống, phải chăng cũng do việc xây dựng văn hóa con người Việt Nam, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở còn nhiều hạn chế, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa định hình rõ.

Một vấn đề khác, ngày 26/10 vừa qua Viện Y học ứng dụng Việt Nam công bố chiều cao của nam giới Việt Nam đứng thứ 182 (chiều cao trung bình 164,4cm) và nữ giới Việt Nam đứng thứ 188 (chiều cao trung bình 153,6cm) so với các nước trên thế giới.

Như vậy, tầm vóc và thể lực người Việt Nam đang gặp vấn đề lớn. Với tầm vóc và thể lực như vậy liệu có phải là một nguyên nhân làm cho năng suất lao động của chúng ta không cao.

Trên cơ sở báo cáo và những phân tích trên, đề nghị cần xác lập hệ giá trị chuẩn mực của người Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, triển khai sâu rộng vào thực tiễn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, nhất là trong gia đình gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 33 và Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Hiện nay, mặc dù nguồn lực còn hạn chế, còn nhiều việc phải làm, nhưng đề nghị Chính phủ dành nguồn lực thích đáng chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương thực hiện đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030.

Ngoài ra, cần tăng cường các giải pháp nhằm đẩy mạnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam, chú trọng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhất là tập trung làm tốt việc sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học để trong năm 2018 tháo gỡ được những nút thắt, bất cập, hạn chế giúp giáo dục, giáo dục đại học phát triển, đạt chất lượng tốt hơn.

Song song đó, rà soát quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp trên cả nước. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, kiểm soát quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo phải gắn với nhu cầu của nền kinh tế.

TÂM- THI (ghi)