Phát triển bền vững ĐBSCL- cần hành động và tư duy đột phá

Kỳ 4: Hiểu rõ các thách thức từ hoạt động con người

Cập nhật, 05:43, Thứ Tư, 04/10/2017 (GMT+7)

Các nhà khoa học, nghiên cứu đã chỉ ra bên cạnh các thách thức toàn cầu, khu vực, thì ĐBSCL còn đang và sẽ phải đối diện thách thức từ hoạt động con người tại đồng bằng.

Theo các nhà khoa học, việc khai thác cát sông quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở ở các bờ sông của miền Tây.
Theo các nhà khoa học, việc khai thác cát sông quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở ở các bờ sông của miền Tây.

Hiểu nguyên nhân gốc

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân- nguyên Phó Chủ nhiệm Ban Khoa học kỹ thuật nhà nước- phân tích thách thức toàn cầu là biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế.

Thách thức khu vực là việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước Mekong sang khu vực khác và nhất là khai thác thủy điện trên dòng chính Mekong.

Trong khi đó, thách thức từ hoạt động con người, ngoài việc mất rừng ngập mặn và rừng tràm, còn đến từ khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt trầm tích;

từ khai thác quá mức nước ngầm làm mặt đất sụt lún; từ phát triển nông nghiệp vẫn thiên về số lượng hơn chất lượng dẫn đến tài nguyên đất bị kiệt quệ và tài nguyên nước bị lãng phí.

Theo ông, thách thức tại địa bàn còn đến từ khâu quản lý nhà nước, thừa chồng chéo thiếu phối hợp; mặt khác, còn là năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

Đồng bằng vẫn còn là vùng trũng về giáo dục và đào tạo, cơ giới hóa và hạ tầng cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng của đồng bằng.

Còn ThS. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL- đưa ra số liệu báo cáo của ĐH Utrectch (Hà Lan) cho biết sự sụt lún liên quan đến khai thác nước ngầm đã tăng dần.

Trong 25 năm (1991- 2016), ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18cm do khai thác nước ngầm, tốc độ sụt lún trung bình hiện nay là 1,1 cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5 cm/năm, cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Theo vị này, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự phụ thuộc vào nước ngầm. Đối với vùng ven biển, nước ngọt cho sinh hoạt và thủy sản thâm canh chủ yếu dựa duy nhất vào nước ngầm.

Đối với vùng nội địa, trên phần lớn ĐBSCL, kể cả ở vùng nông thôn nhiều sông rạch, nguồn nước cho sinh hoạt cũng chủ yếu là nước ngầm do nguồn nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Từ đây, ông cảnh báo: “Vấn đề sụt lún của ĐBSCL đáng lo ngại hơn nhiều so với nước biển dâng”.

Sạt lở do thủy điện và khai thác cát

Thủy điện và khai thác cát sông sẽ khiến sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng hơn.
Thủy điện và khai thác cát sông sẽ khiến sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cụ thể hơn, ThS. Nguyễn Hữu Thiện phân tích: ĐBSCL do quá trình bồi đắp của phù sa, cát sỏi tạo nên trong quá trình “kiến tạo đồng bằng”. Trong quá trình đó, sạt lở và bồi đắp là một quá trình tự nhiên.

Trong quá khứ (trước năm 1992 khi các đập dòng chính sông Mekong bắt đầu được xây dựng ở Trung Quốc), quá trình kiến tạo đồng bằng, tổng lượng bồi đắp của ĐBSCL lớn hơn tổng lượng sạt lở.

Trong quá khứ không có hiện tượng sạt lở trên diện rộng và trung bình trong 6.000 năm qua, đồng bằng được mở rộng về phía Đông với tốc độ 26 m/năm và về hướng mũi Cà Mau với tốc độ 16 m/năm, tức là khuynh hướng bồi luôn trội hơn khuynh hướng lở.

Tuy nhiên, trong 25 năm vừa qua, khuynh hướng sạt lở có khuynh hướng trội hơn khuynh hướng bồi đắp, nhất là trong 10 năm và 5 năm gần đây, sạt lở càng gia tăng.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện nhận định, 2 nguyên nhân chính có biến động đáng kể từ sau 1992 làm tăng sạt lở là tải lượng phù sa mịn và lượng cát bị mất đi do khai thác cát trên sông Mekong.

Cần cơ chế chung cho toàn vùng ĐBSCL

Ông Vương Bình Thạnh- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng cần đánh giá một cách toàn diện tác động của BĐKH và các đập thủy điện đến vùng ĐBSCL. Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư và phát triển chung cho toàn vùng ĐBSCL và các tiểu vùng sinh thái.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở ở các bờ sông của miền Tây, nhưng theo nghiên cứu của PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ), nguyên nhân hàng đầu chính là việc khai thác cát lòng sông quá mức. 

Theo ông, trong 20 năm qua, cát trên sông Tiền và sông Hậu đã bị khai thác khủng khiếp. So sánh hình thái dòng sông ở ĐBSCL từ 1998- 2008, sông Tiền và sông Hậu đã mất khoảng 200 triệu tấn cát, làm lòng sông bị hạ thấp trung bình 1,3m, có những nơi khai thác cát tạo ra những hố rất sâu.

Một nguyên nhân sâu xa nữa đó là do phía thượng nguồn hình thành chuỗi đập thủy điện, đã giữ lại lượng lớn phù sa tại hồ chứa.

Dự báo sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực hoàn tất, tải lượng phù sa mịn sẽ giảm 50% một lần nữa, còn 42 triệu tấn, tức 1/4 lượng cũ trước năm 1992 và 100% lượng cát sỏi di chuyển ở đáy sông sẽ hoàn toàn bị các đập giữ lại.

Khi đó, sạt lở sẽ diễn ra dữ dội hơn, khó có biện pháp tại chỗ nào ở ĐBSCL, công trình hay phi công trình, có thể cưỡng lại được khuynh hướng này.

Trước kia, dòng sông mang nặng phù sa nên tốc độ dòng chảy chậm, ôn hòa nay do ít vật liệu truyền dẫn hơn khiến gia tăng hiện tượng “nước đói phù sa”, dòng chảy trở nên mạnh và hung dữ hơn.

Vì thế, PGS.TS Lê Anh Tuấn hình dung khi nước “đói” sẽ “ăn” dần đất ở hai bên bờ sông và lòng dẫn.

Đê bao khép kín làm gia tăng ngập và xâm nhập mặn

Theo nghiên cứu của ThS. Nguyễn Hữu Thiện, trong 20 năm qua, rất nhiều diện tích ở 2 túi nước Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên đã bị bao đê khép kín để canh tác lúa vụ 3. Năm 2017, tổng diện tích lúa vụ 3 trong mùa lũ trên toàn đồng bằng lên đến 810.000ha.

Những khối nước khổng lồ ngoài các ô đê bao khép kín này không được hấp thu vào các vùng đồng ngập lũ đã gây gia tăng ngập ở các vùng hạ lưu và chảy hết ra biển trong mùa lũ.

Đến mùa khô, 2 vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không có nước để bổ sung cho dòng chính đẩy mặn ra, làm gia tăng xâm nhập mặn vùng ven biển.

Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) cũng đề cập tới sự tăng diện tích ô đê bao khép kín riêng ở vùng tứ giác Long Xuyên, đã làm giảm khả năng hấp thu lũ của vùng này từ 9,2 tỷ mét khối năm 2000 xuống còn 4,5 tỷ mét khối năm 2011.

Lượng nước bị choáng chỗ đã làm tăng ngập ở TP Cần Thơ năm 2011 thêm 4cm. Đê bao khép kín vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên đã làm tăng mực nước ở Cần Thơ 5cm, ở Mỹ Thuận 3cm.

Canh tác lúa 3 vụ trong đê bao khép kín cũng làm cạn kiệt nguồn thủy sản tự nhiên, là nguồn dinh dưỡng quan trọng của người dân nông thôn, và nguồn thu nhập cho những người nghèo không đất ở nông thôn. Đê bao khép kín cũng ngăn không cho nước lũ vào đồng.

Kinh nghiệm cho thấy sau khoảng 20- 25 năm, đất đai sẽ cạn kiệt chất dinh dưỡng và chi phí canh tác tăng cao.

(Còn tiếp)

Quy hoạch riêng lẻ, thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, BĐKH đối với ĐBSCL đã và đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn so với dự báo trước đây, bởi yếu tố con người như việc khai thác quá mức tài nguyên đất, nước...

Tuy nhiên, các chương trình dự án, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp đã và đang được thực hiện còn thiên về ứng phó cục bộ; không dựa trên việc xem xét tổng thể về không gian, thời gian, liên ngành, liên vùng…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, đòi hỏi phải xử lý các vấn đề một cách tổng thể dựa trên bản quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành, liên vùng nhằm giải quyết một cách toàn diện các vấn đề thách thức hiện nay và định hướng cho sự phát triển dài hạn.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ