Nếu không cập nhật kiến thức, giáo viên sẽ khó đáp ứng được việc đổi mới giáo dục phổ thông

Cập nhật, 08:41, Thứ Tư, 25/10/2017 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và phương hướng năm 2018, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh, đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có những ý kiến đóng góp tâm huyết trong lĩnh vực giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết: Tôi đồng tình với đánh giá của Chính phủ trong báo cáo về chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội.

Có thể điển hình từ việc sát nhập trung tâm giáo dục thường xuyên với trung tâm nghề nghiệp ở các địa phương hiện nay, giáo viên cùng thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ vừa giáo dục thường xuyên, vừa giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề nhưng khi nhập lại chế độ chính sách hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, giáo viên của trung tâm giáo dục thường xuyên trước đây thì còn phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp, còn giáo viên của trung tâm nghề nghiệp thì hầu như không có gì hết.

Cùng tồn tại chung một đơn vị nhưng chế độ phụ cấp hoàn toàn khác nhau, điều đó gây ra sự không công bằng và bất an trong đội ngũ của trung tâm này.

Vì thế, tôi đề nghị Chính phủ nên ban hành một cơ chế, chính sách hay điều lệ gì đó để đảm bảo cho các trung tâm hoạt động có hiệu quả.

Một vấn đề tôi quan tâm là việc phát triển thể dục thể thao, đặc biệt là thể thao quần chúng theo báo cáo của Chính phủ trình bày trong hướng tới.

Tôi đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục thể dục thể thao trong nhà trường mà theo dự thảo của Luật Thể dục thể thao còn chung chung và chưa có cơ sở pháp lý để các trường làm nền tảng phát triển thể thao học đường.

Theo tôi biết, hiện nay Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng NTM và cố gắng nâng dần các tiêu chí để xây dựng nông thôn kiểu mẩu.

Nhưng rõ ràng trung tâm văn hóa ở một số nơi vẫn chưa hoạt động hiệu quả, nên chăng dùng nguồn kinh phí này để đầu tư trong trường nhằm phát triển thể dục thể thao và cũng là nơi dùng chung cho người dân ở địa phương.

Một vấn đề nữa là đầu tư công trong giáo dục. Theo báo cáo thẩm định của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, trong thời gian tới cơ cấu đầu tư cho giáo dục tăng 12,1% so dự toán 2017.

Đây là một niềm phấn khởi, để giáo dục có thể làm nền tảng tiếp tục phát triển, đặc biệt là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên tôi vẫn còn băn khoăn bởi trong nhận định của ủy ban này, đề nghị Chính phủ rà soát lại khoản chi trên 1.220 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, đề án, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...

Theo báo cáo của kiểm toán nhà nước, các khoản chi phí này hàng năm luôn dư thừa. Đề nghị Chính phủ nên cơ cấu lại nguồn chi này, đồng thời Bộ Giáo dục và đào tạo cũng nên xem xét lại việc đào tạo đội ngũ giáo viên, chúng ta có quyết định 732 của Chính phủ tuy nhiên nó chưa đi vào thực tế của các đơn vị, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông.

Giáo viên phổ thông thường tốt nghiệp từ trung cấp, cao đẳng, đại học rồi nhận nhiệm sở và đi dạy, sau đó hầu như chỉ có tham dự những lớp tập huấn ngắn hạn do ngành tổ chức.

Kiến thức thì luôn thay đổi và luôn mới, nếu giáo viên không cập nhật, không được đào tạo, chắc chắn sẽ bị mai một và sẽ không đáp ứng được việc đổi mới giáo dục phổ thông.

Thiết nghĩ, Chính phủ nên dành phần kinh phí này để đào tạo cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên phổ thông. Có thể là 1- 2 năm tổ chức cho giáo viên cập nhật kiến thức, đào tạo, đào tạo lại để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giáo dục.

TÂM- THI (ghi)