Siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp đảm bảo ATTP

Cập nhật, 07:32, Thứ Ba, 13/06/2017 (GMT+7)

 

Siết chặt quản lý để nông sản đến tay người tiêu dùng luôn an toàn.
Siết chặt quản lý để nông sản đến tay người tiêu dùng luôn an toàn.

Thực hiện kế hoạch tăng cường chỉ đạo thực hiện thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2017- 2020 và những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, Sở Nông nghiệp- PTNT đã công bố thành lập Đội thường trực thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và PTNT nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực vật tư nông nghiệp an toàn thực phẩm (ATTP).

Đánh giá của Thanh tra Sở Nông nghiệp- PTNT, từ đầu năm đến nay, tình trạng vi phạm về chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp như hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa, ATTP, diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp.

Thịt gia súc, gia cầm không dấu kiểm soát giết mổ diễn ra thường xuyên, vẫn còn vi phạm về giết mổ động vật ở những địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, cố tình bơm nước vào động vật trước khi giết mổ.

Theo bà Đặng Thị Hoàng Anh- Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua, ngành chuyên môn đã thực hiện 18 cuộc thanh tra chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, ATTP,… tại 2.712 cơ sở trong toàn tỉnh.

Qua đó phát hiện 123 vụ vi phạm với các hành vi vi phạm chủ yếu về chất lượng sản phẩm hàng hóa, hạn sử dụng, bơm nước vào động vật trước khi giết mổ, điều kiện vệ sinh thú y, ATTP, sử dụng điện khai thác thủy sản.

Còn theo bà Đặng Sao Lel- Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông- lâm và thủy sản, trong những tháng đầu năm đã tổ chức 3 cuộc thanh- kiểm tra với 138 cơ sở được kiểm tra.

Gồm hộ sản xuất sơ chế rau quả, cơ sở chăn nuôi gia súc và giết mổ tập trung, quầy kinh doanh sản phẩm động vật, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chế biến sản phẩm nông- thủy sản. Qua đó đã phát hiện 34 vụ vi phạm về ATTP, phạt tiền 14 vụ, nhắc nhở và yêu cầu viết cam kết 20 cơ sở.

Qua thực tế kiểm tra, đối với những loại rau màu do phải thu hoạch liên tục nên hầu như không có thời gian cách ly, do đó qua kiểm nghiệm ngành chuyên môn phát hiện tồn dư một lượng lớn nitrat trong sản phẩm sau thu hoạch.

Các cơ sở chế biến sản phẩm nông- thủy sản vẫn còn sử dụng phụ gia không đúng đối tượng và việc lạm dụng chất phụ gia trong quá trình sản xuất dẫn đến vượt ngưỡng giới hạn cho phép.

Khi giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật, sản phẩm thủy sản nuôi, sau khi thu mẫu kiểm nghiệm ngành chuyên môn cũng đã phát hiện một số cơ sở vẫn còn sử dụng chất cấm Enrofloxacin trong sản xuất và có chiều hướng tăng so với năm 2016.

Kết quả thanh tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y ở lĩnh vực ATTP, ngành chuyên môn cũng phát hiện 67 vụ vi phạm.

Trong đó, các vi phạm về việc kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không dấu kiểm soát giết mổ, không tem vệ sinh thú y, giết mổ động vật ở những địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, vận chuyển sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Có trường hợp khi bị phát hiện, chủ hàng đã trốn tránh việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông trên tuyến đường đi. Đáng kể là vẫn còn trường hợp heo bệnh trước khi đưa vào lò giết mổ, động vật bị bơm nước hoặc chất khác trước khi giết mổ.

Ông Đoàn Quốc Thụy- Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y- băn khoăn khi cho biết hiện chi cục không có kho cấp đông để bảo quản sản phẩm động vật khi tạm giữ để kiểm tra vệ sinh thú y.

Khi thanh- kiểm tra thì chưa có phương tiện, dụng cụ để kiểm tra nhanh những sản phẩm thịt động vật nghi bơm nước hoặc tồn dư kháng sinh. Một trong những cái khó hiện nay là trong công tác tiêu hủy động vật mắc bệnh truyền nhiễm cũng như tiêu hủy sản phẩm động vật không đủ điều kiện vệ sinh thú y thì địa phương không địa điểm để xử lý tiêu hủy.

Chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT lưu ý đội thường trực thanh tra chuyên ngành nâng cao hiệu quả công vụ trên cơ sở phối hợp tốt với các chi cục, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Đồng thời, xây dựng mạng lưới cộng tác viên nông nghiệp, củng cố hoạt động cung cấp thông tin phản ánh kịp thời thực trạng kinh doanh vật tư nông nghiệp và ATTP bổ sung kế hoạch thanh tra đảm bảo tính toàn diện.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật thì việc công khai các hành vi vi phạm, danh sách cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn vật tư nông nghiệp, hàng hóa đảm bảo chất lượng ATTP.

Ngoài ra, công tác phối hợp trao đổi thông tin, truy xuất nguồn gốc hàng hóa vi phạm, xử lý đa chiều các hoạt động thanh tra trên cơ sở phối hợp liên ngành cũng cần được chú trọng.

  • Bài, ảnh: LÊ SƠN