Xuân về qua vùng rốn mặn

Cập nhật, 05:59, Thứ Sáu, 30/12/2016 (GMT+7)

Ở Vĩnh Long, rõ ràng Vũng Liêm là cái rốn xâm nhập mặn. Theo số liệu thiệt hại về thiên tai này gây ra năm 2016 thì Vũng Liêm có đến hàng ngàn hecta lúa, hoa màu và hàng trăm hecta vườn cây ăn trái bị thiệt hại nặng. Ước thiệt hại do lần xâm nhập mặn này của nông dân Vũng Liêm bị tổn thất hơn 225 tỷ đồng.

Trở lại Vũng Liêm những ngày cận Tết Dương lịch 2017, tôi không khỏi vui mừng, phải vì biết được năm 2016 Đảng bộ, quân và dân quê hương nỗ lực vượt qua khó khăn đạt và vượt 15/19 chỉ tiêu kế hoạch trong năm mà còn vì thấy được ý thức phòng chống biến đổi khí hậu của người dân nơi đây được nâng lên khá rõ.

Anh Nguyễn Văn Chậm- nhà vườn ở ấp Phước Trường (xã Quới An) cho biết: “Tôi có 5.000m2 vườn chuyên canh xoài.

Dù nơi đây đê bao chống lũ triều cường bảo vệ vườn đây ăn trái đã có nhưng rút kinh nghiệm của đợt xâm nhập mặn năm rồi, năm nay gia đình tôi đã chủ động nạo vét lại mương để trữ nước ngọt và tôi cũng sẽ tiết kiệm nước trong tưới tiêu.

Làm ruộng, làm vườn bây giờ không thể chủ quan chuyện thời tiết như trước được mà phải theo dõi từng tháng, từng năm thì mới mong hạn chế được thiệt hại”.

Ở Trung Thành Đông, cây lác là một trong những mặt hàng nông sản hiệu quả kinh tế trong thời gian qua, đã làm “thay da đổi thịt” đi lên của không ít gia đình.

Tuy nhiên, qua trận xâm nhập mặn mùa khô đầu năm 2016, nhiều hộ trồng lác chỉ thu hồi được vốn dẫn đến cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn vì lác giảm năng suất.

Một hộ trồng lác ở Phú Nông cho biết: “Do nghĩ như mọi năm nên khi mặn về, gia đình tôi và nhiều bà con ở đây ngay cả nước ngọt để ăn uống và dùng cho sinh hoạt còn gặp khó khăn.

Người đã thiếu nước như vậy thì cây lác, hoa màu và cây ăn trái làm sao không bị thiệt hại? Năm nay, bà con ở đây đã có ý thức phòng bị nên hầu như các kinh mương đều đã được nạo vét để dự trữ nước ngọt; cống bộng thì chính quyền cũng đã sẵn sàng, khi phát hiện mặn là đóng cống lại ngay.

Thiếu nước ngọt một vài tháng do khô hạn thì nông dân chỉ bị thiệt hại ở vụ đó thôi; còn nếu đất bị xâm nhập mặn rồi thì thiệt hại luôn cả mấy vụ sau”.

Về công tác phòng chống mặn ở rốn mặn này, qua tìm hiểu người viết được biết, năm 2016 từ các nguồn huy động, Vũng Liêm đã đầu tư hàng chục tỷ đồng thực hiện 47 công trình thủy lợi phục vụ nước cung cấp tưới tiêu và chống xâm nhập mặn; trong đó 8 công trình từ vốn đầu tư của tỉnh và 39 công trình nguồn vốn của huyện.

Đến nay các công trình của tỉnh đều đã được thực hiện trên 80%, còn huyện đầu tư thì đã có 31 công trình đã hoàn thành, 8 công trình còn lại đều đạt trên 89%.

Trong số các công trình đã hoàn thành, có công trình thủy lợi phục vụ sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở xã Tân An Luông, 2 công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản ở Hiếu Phụng- Tân An Luông và Hiếu Nhơn- Hiếu Thành- Hiếu Nghĩa.

Cống hở Bảy Dành (xã Hiếu Thành), cống hở Chín Nhường (xã Hiếu Nghĩa) và công trình nạo vét xây dựng đê bao kinh đập Rạch Cát (xã Hiếu Thuận- Hiếu Phụng)…

Ngoài các công trình trên, Vũng Liêm cũng đã huy động được hàng ngàn lao động kết hợp cơ giới thực hiện nâng cấp và nạo vét 245 công trình thủy lợi nội đồng, lượng đất đào lấp hơn 138.163m3, đạt 138% kế hoạch năm.

Một thông tin nữa là sau khi mặn xâm nhập, những nhà vườn bị thiệt hại nặng đã được hỗ trợ giống cây ăn trái chất lượng cao để giúp nông dân khôi phục sản xuất trên diện tích 880ha; trong đó có các giống bưởi da xanh và sầu riêng, quy thành tiền lên đến 6,269 tỷ đồng.

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời này và với nỗ lực vươn lên của người dân năm 2016 Vũng Liêm có thêm 241ha vườn già cỗi được cải tạo, lập mới 57ha với giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và thêm 659ha đất trồng lúa được nông dân đưa vào sản xuất cánh đồng mẫu lớn.

Năm 2016, dù bị thiệt hại đáng kể trên mặt trận sản xuất nông nghiệp do bị xâm nhập mặn; nhưng nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, Vũng Liêm đã nâng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 145 triệu đồng/ha/năm, tăng 5 triệu đồng so với kế hoạch.

Về rốn mặn những ngày cận Tết Đinh Dậu, màu xanh của ấm no vẫn mượt mà trong cái se lạnh cuối đông, trong tôi tất cả như đã vào xuân- mùa xuân của niềm tin và thắng lợi.

TRỌNG DÂN (Vũng Liêm)