"Ngãi Tứ lên nông thôn mới rồi!"

Cập nhật, 10:25, Thứ Tư, 20/01/2016 (GMT+7)
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ xã Ngãi Tứ tiếp tục nâng chất các tiêu chí.
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ xã Ngãi Tứ tiếp tục nâng chất các tiêu chí.

Đây là một trong những câu mừng rỡ của các bậc cao niên; là lời bàn của các anh chị, cô, chú có tuổi; và là tiếng reo của các em nhỏ khấp khởi trên đường hướng về trung tâm xã trước giờ chuẩn bị đón bằng công nhận xã Ngãi Tứ đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Bởi từ một xã vùng sâu và là nơi căn cứ cách mạng trong kháng chiến còn nhiều khó khăn, sau 5 năm xây dựng, Ngãi Tứ đã trở thành xã NTM.

Bà con kể, sau 5 năm xây dựng NTM, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân xã Ngãi Tứ phát triển vượt bậc.

Đó là, về nhà ở trước đây những hộ nghèo, cận nghèo rất khó khăn, nhiều người sống trong những ngôi nhà tạm tre lá, họ hết sức lo lắng mỗi khi mưa bão đến; đến nay, những đối tượng này được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng những ngôi nhà chắc chắn (3 cứng) rất an tâm không còn lo cảnh nhà dột cột xiêu. Bà con rất phấn khởi, bởi vì có an cư mới lạc nghiệp.

Những người khá giả còn tự đầu tư xây dựng mới những ngôi nhà tường rất khang trang đẹp mắt không thua gì ở thành thị, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn được đổi mới. Còn việc sản xuất lúa thì từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch đều có máy móc hỗ trợ.

Trước đây, bà con thu hoạch lúa rất vất vả, tốn rất nhiều công lao động, chi phí. Còn nay bà con rất phấn khởi khi thu hoạch lúa đã có máy gặt đập liên hợp, không còn cảnh gặt bằng tay, vác bằng vai.

Vì một máy gặt đập liên hợp trong 1 ngày đã làm tương đương 50 công lao động; 1 cộ kéo lúa có thể chở được 60- 70 bao lúa từ ruộng đến lộ giao thông chỉ trong 15- 20 phút; thu hoạch rất nhanh gọn, ít thất thoát, ít hao hụt, giảm chi phí nhân công, tăng thêm lợi nhuận.

Để sản xuất nông nghiệp được phát triển, phải nói đến khâu thủy lợi. Hai bên bờ sông Ngãi Tứ bây giờ đê bao được nâng cấp cao ráo, chắc chắn. Nhờ vậy, nhân dân Ngãi Tứ nay không còn lo cảnh ngập úng vườn tược hoa màu khi nước lũ tràn về. Song song với thủy lợi, đường giao thông, được xây dựng trải nhựa từ ấp An Thới đến ấp Bình Ninh.

Nhiều bà con ở vùng “hẻo lánh” này rất phấn khởi, bởi việc đi lại được dễ dàng, giao lưu hàng hóa rất thuận lợi. Những tuyến đường đan, đường đá liên ấp, liên xóm cũng được mở rộng, di chuyển rất dễ dàng ngay cả trong mùa mưa.

Đặc biệt, Đường tỉnh 909 qua xã rộng hơn, tạo điều kiện cho bà con rút ngắn rất nhiều thời gian khi giao thương với TP Cần Thơ, TP Vĩnh Long. Điều này cho thấy, phát triển giao thông là một động lực rất quan trọng cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Ngãi Tứ hôm nay.

Bà con rất mừng vì rất nhiều người dân vùng sâu này nay đã có nước sạch sử dụng và việc xử lý rác được chăm lo đã tạo cho cảnh quan môi trường ngày một sạch hơn. Trước đây, rác sinh hoạt bà con thường để lấp mương hoặc thải xuống sông rạch gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường.

Còn nước sinh hoạt bà con thường sử dụng nước sông, nước mương đem lên lắng lọc, chất lượng không đảm bảo sức khỏe. Nhưng hiện nay ven đường giao thông đã có thùng rác công cộng được chuyển đến nơi tập trung để xử lý. Nơi ở xa, rác được xử lý bằng hố rác tự hoại.

Về nước sạch, hệ thống nước máy nông thôn được kéo bao phủ gần như toàn xã, nên chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng lên. Về văn hóa, đã thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xã văn hóa. Hiện xã Ngãi Tứ có 9/9 ấp đạt ấp văn hóa và xã đạt văn hóa.

Nói chung là cảnh quan môi trường sáng- xanh- sạch- đẹp phát triển từng ngày. Đặc biệt, xã đã có nhà văn hóa đạt chuẩn quốc gia, có các phòng chức năng được xây dựng khang trang, có phòng đọc sách, phòng truy cập Internet miễn phí, có sân cầu lông trong nhà,…

Tất cả những đổi thay này giúp cho đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Về lĩnh vực giáo dục, Ngãi Tứ có 6 trường học (1 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 1 trường THCS). Các trường trước đây trang thiết bị dạy và học thiếu thốn.

Trong 6 trường chỉ có 1 trường đạt chuẩn quốc gia (Trường Tiểu học Ngãi Tứ A), đến nay đã có 4 trường đạt chuẩn quốc gia (3 trường tiểu học và 1 trường THCS), trang thiết bị dạy và học được đầu tư tương đối đầy đủ, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên, ngày càng có nhiều thầy cô đạt giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp.

Chất lượng giáo dục không còn cách biệt giữa vùng thuận lợi và nơi khó khăn. Chẳng hạn như năm học 2015- 2016, Ngãi Tứ có 1 học sinh lớp 7 Trường THCS Ngãi Tứ thi văn hay chữ tốt đạt giải nhất trong tỉnh và đạt giải 3 khu vực 13 tỉnh ĐBSCL.

Khí thế mới ở xã nông thôn mới Ngãi Tứ.
Khí thế mới ở xã nông thôn mới Ngãi Tứ.

Nếu nói về y tế, ở trạm y tế xã trước đây cơ sở vật chất, thiết bị khám và điều trị bệnh còn gặp nhiều khó khăn, trạm chỉ có 1 y sĩ. Đến nay trạm y tế xã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, có đội ngũ y bác sĩ, thiết bị, thuốc men tương đối đầy đủ và phục vụ chăm lo sức khỏe cho người dân rất tốt.

Có thể minh chứng như các cụ cao tuổi đều có sổ theo dõi sức khỏe, những cụ già yếu, tàn tật nặng không có điều kiện đến trạm điều trị bệnh được thì có đội ngũ y bác sĩ đến tận nhà khám và trị bệnh…

Ngoài các mặt nêu trên, xã Ngãi Tứ hôm nay có rất nhiều thay đổi nữa như về điện gần 99% hộ sử dụng có điện kế và an toàn; có chợ nông thôn, nhiều hoạt động thương mại và dịch vụ,… đã góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo so với trước đây.

Cũng như nhiều xã khác, đạt chuẩn NTM là rất khó khăn phải đầu tư nhiều tiền của, công sức của Nhà nước và nhân dân.

Để giữ vững thành quả này, ông Nguyễn Văn Sua- một đại diện nhân dân trong xã đã hứa với lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp trong thời gian tới, nhân dân Ngãi Tứ tiếp tục ra sức giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí và những thành tựu đã đạt được; quyết tâm tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, từng bước kéo giảm hộ nghèo, cận nghèo, làm cho mọi người, mọi nhà có cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc.

 

Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã Ngãi Tứ Nguyễn Minh Trường: “... Trong thời gian tới, Ngãi Tứ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện làm tốt cảnh quan môi trường; thực hiện có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển và nhân rộng cánh đồng mẫu, phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi, phát triển làng nghề đan thảm lục bình ra toàn xã, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trong nhân dân”.

 

Bài, ảnh: TRẦN ÚT