Đời sống nông dân ngày càng đổi mới

Cập nhật, 05:33, Thứ Sáu, 29/01/2016 (GMT+7)

Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM) là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng nhằm rút ngắn khoảng cách thành thị và nông thôn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đã đưa đời sống người dân nâng cao về mọi mặt, đặc biệt là người dân nông thôn.

Nhờ được đầu tư đê bao khép kín, nông dân đã có thể tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nhờ được đầu tư đê bao khép kín, nông dân đã có thể tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập.

Nông thôn khởi sắc

Hòa chung không khí cả nước chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XII, xã Chánh Hội (Mang Thít) và xã Đông Thành (TX Bình Minh) long trọng tổ chức lễ đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Như vậy, nhiệm kỳ 2010- 2015, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn NTM, cao hơn 2 xã so chỉ tiêu. Bình quân, số tiêu chí đạt chuẩn đã tăng từ 3 tiêu chí/xã lên 11,2 tiêu chí/xã.

Từ một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, có đông đồng bào dân tộc Khmer, nhưng Đông Thành đã vươn lên là xã thứ 2 của TX Bình Minh thực hiện đạt 19/19 tiêu chí NTM. Ông Châu Văn Trung (ấp Hóa Thành 1) nhớ lại: “Trước đây đường sá rất chật hẹp, không đi xe được, phải đi bằng xuồng, nên việc mua bán, vận chuyển hàng hóa khó khăn. Điện chiếu sáng chưa được đầu tư, điện sinh hoạt vừa thiếu lại vừa yếu, nhiều hộ phải xài câu đuôi. Trường học không được đầu tư lớn, việc học của con em khá vất vả; nhà cửa cũng không được xây mới khang trang như bây giờ.

Qua 5 năm xây dựng NTM, xã Đông Thành đã khoác lên mình chiếc áo mới với cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm...) được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Theo ông Trung: “Kết quả mang lại hơn cả sự mong đợi của người dân chúng tôi. Từ các công trình phúc lợi xã hội đến cả cái lu đựng nước cho bà con cũng được lo đầy đủ. Giờ đây, mỗi hộ dân tộc có đến 2 xe máy mà toàn là hàng “xịn” chứ không mua xe giá rẻ. Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân cũng ngày càng có ý thức hơn và biết quan tâm bảo vệ môi trường. Kể từ khi được đầu tư đê bao khéo kín, tui trồng 4 công cam và bưởi cho lợi nhuận cũng tròm trèm 150 triệu đồng/năm”.

Ông Nguyễn Văn Hóa (ấp Đông Hưng 3) nói: Việc làm ăn của nông dân ngày càng khấm khá hơn, thể hiện rõ ở chương trình kiên cố hóa cống đập, đã giúp nông dân an tâm sản xuất, nhất là trồng lúa ít phải giặm, sạ lúa cũng rất đạt, năng suất khoảng 25 giạ/công.

Ông Nguyễn Văn Vẹn- Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2010, khi mới bắt tay vào thực hiện chương trình, xã chỉ đạt 3 tiêu chí. Đến nay, bộ mặt xã có nhiều thay đổi, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,37%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 93%.

Rút ngắn khoảng cách nông thôn- thành thị

Là chủ thể và cũng là người trực tiếp thụ hưởng từ chương trình xây dựng NTM, nhiều nông dân đã thể hiện tinh thần tiên phong, gương mẫu của mình. Trong đó, ông Trung là người đầu tiên đã ký tên hiến 1.000m2 đất trồng lúa đang sắp ngày trổ bông để Nhà nước đầu tư xây đường giao thông cho kịp tiến độ. Bằng uy tín của mình, ông còn cùng với địa phương đi vận động bà con hưởng ứng. Còn ông Nguyễn Văn Hóa, tuy đời sống còn nhiều khó khăn, chỉ có hơn 2 công lúa, nhưng cũng đồng ý hiến 200m2 đất để làm đường.

Với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, sự quản lý điều hành của chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, Đông Thành đã phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động trên 175 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội. Trong đó, nhân dân và các nhà tài trợ đã đóng góp trên 49 tỷ đồng, chiếm 28% tổng nguồn vốn.

Ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng, lan tỏa và tạo hiệu ứng nhanh, gần 4.000 hộ hội viên, nông dân hiến trên 500.000m2 đất cùng vật kiến trúc, trị giá khoảng 300 tỷ đồng và hơn 500.000 ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Qua 5 năm (2010- 2015) triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Vĩnh Long đã đạt mục tiêu tổng quát là tỉnh trung bình khá trong vùng ĐBSCL. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước, GRDP bình quân đạt 6,97%. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển sản xuất và tăng thu nhập ở địa bàn nông thôn có nhiều cải thiện.

Theo ông Trung: Có được bộ mặt nông thôn như ngày nay, có được cuộc sống ấm no hạnh phúc, nông dân chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã quan tâm để người dân được thụ hưởng những thành quả như ngày hôm nay. Thời gian tới, tui mong muốn mình sẽ được tiếp tục ủng hộ hết mình, góp công, góp sức, tiền của và nêu gương, động viên lớp trẻ tham gia tốt các phong trào hành động cách mạng của địa phương, để góp phần vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Tấn Đạt (xã Tân An Hội- Mang Thít) cho rằng: “Chương trình xây dựng NTM đã và đang giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, để nông thôn không tụt hậu so với thành thị và người dân được hưởng thành quả cải cách- đổi mới; thành quả từ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.

Bí thư Thị ủy Bình Minh Nguyễn Minh Dũng thì cho rằng: “Thước đo chính xác nhất của chương trình xây dựng NTM chính là sự hài lòng của nhân dân. Có thể khẳng định, công tác xây dựng NTM chỉ có khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Do vậy, nếu việc phấn đấu để xã đạt NTM đã khó thì việc giữ vững và phát huy danh hiệu càng khó hơn. Vấn đề quan trọng là phải đảm bảo kinh tế- xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón

Nhiệm kỳ 2015- 2020, tỉnh ta xác định lấy nông nghiệp làm mũi nhọn, do đó sẽ ưu tiên đầu tư, chú trọng hạ tầng nông thôn, liên kết hợp tác tạo việc làm; đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM; phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL vào năm 2020.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI